Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 97.043
Truy câp hiện tại 149

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Báo cáo tình hình thực hiện công tác phòng, chống mại dâm 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 18/07/2023

Tình hình tệ nạn mại dâm hiện nay trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiềm chế, không hình thành điểm nóng gây mất an ninh trật tự. Tổng số cơ sở kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ hoạt động tệ nạn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay được thống kê chưa đầy đủ là hơn 976 cơ sở. Trong đó: bar: 2, khách sạn 236, nhà nghỉ, nhà trọ 389, karaoke: 254, masage: 30, cà phê đèn mờ 15, nhà hàng 29, cắt tóc 21; Số cơ sở nghi vấn có hoạt động mại dâm: 25 cơ sở, trong đó: Khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ: 9; karaoke:03; Cắt tóc: 01; massge: 8; cà phê: 4; Số cơ sở đã bị xử lý liên quan đến hoạt động mại dâm: 06 cơ sở; Số nhân viên nghi vấn hoạt động mại dâm trong các cơ sở 74 người. Tổng số người qua rà soát phát hiện nghi vấn hoạt động là 76 người, trong đó: chủ chứa: 47 người; môi giới: 10 người, gái bán dâm:19 người.

 

Theo đó, kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống mại dâm 6 tháng đầu năm 2023, như sau:

1. Công tác xây dựng văn bản chỉ đạo, điều hành

- Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 10/02/2023 về phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2023;

- Thực hiện Kế hoạch hàng năm, các Sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tế tại các cơ quan, đơn vị nhằm làm giảm thiểu nguy cơ gia tăng tệ nạn mại dâm, hạn chế hệ quả tác hại của tệ nạn này với đời sống xã hội.

- Đội Liên ngành 178 của tỉnh đã xây dựng Kế hoạch 257/KH-SLĐTBXH ngày 15/02/2023 về kiểm tra việc chấp hành pháp luật phòng chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn Đội kiểm tra liên ngành 178 các huyện, thị xã, thành phố tích cực xây dựng kế hoạch hoạt động, thường xuyên kiểm tra để nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ và các địa bàn công cộng.  

2. Công tác tuyên truyền phòng ngừa mại dâm

- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý địa bàn; tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán 2023; Xây dựng kế hoạch truyền thông, tập huấn công tác phòng chống tệ nạn xã hội năm 2023. Hướng dẫn cho các địa phương nội dung truyền thông phòng chống tệ nạn xã hội nói chung, tệ nạn phòng chống mại dâm nói riêng phổ biến các thủ đoạn, phương thức hoạt động mới của tội phạm hiện nay trên loa truyền thanh, bản tin địa phương và các đơn vị trường học với nhiều hình thức lồng ghép với các hoạt động tại địa phương như tọa đàm, giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ, hệ thống xe lưu động, đài phát thanh, truyền thanh…; phối hợp với các Phòng Lao động Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền tập huấn công tác phòng chống mại dâm đặc biệt chú trọng tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn xã hội; đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập huấn cho 1200 người là cán bộ cốt cán tại thành phố Huế và 04 huyện, thị xã; cung cấp cho các địa phương hơn 12.000 các loại tờ rơi về phòng chống ma túy, mại dâm và mua bán người nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về phòng chống tệ nạn xã hội;

- Sở Tư pháp cấp phát tờ gấp tuyên truyền (50.000 ), bản tin tư pháp (500 quyển)xây dựng 8 câu chuyện hòa giải, 7 tiểu phẩm về các lĩnh vực và đăng tải các bài viết lên trang Fanpage “Pháp luật với Cuộc sống” về phòng chống tệ nạn xã hội; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; giải đáp pháp luật trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp, Chuyên Trang phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; tổ chức 11 hội nghị phổ biến, giáo dục, pháp luật cho 700 đại biểu là phụ nữ, ngư dân, người dân ở vùng ven biển (160 người), báo cáo viên và tập huấn viên cấp huyện (540 người)…

- Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành các văn bản định hướng, chỉ đạo với các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện thực hiện xây dựng và phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về nội dung phòng chống TNXH; Trong công tác tổ chức chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, đã lưu ý chú trọng thông tin tuyên truyền thường xuyên, liên tục, tập trung tới nhóm phụ nữ, trẻ em có nguy cơ cao; nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên và các hộ gia đình … tại các địa bàn trọng điểm, từ đó giúp người dân tự phòng ngừa, nâng cao cảnh giác đối với các loại tội phạm;

- Công an tỉnh đã xây dựng các tin bài tuyên truyền với nội dung cảnh báo các nguy cơ, rủi ro khi lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ thông qua các trang fanpage đăng tải các bài tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống tội phạm tệ nạn xã hội ;

- Hội Phụ nữ tỉnh đã duy trì tốt hoạt động của  câu lạc bộ “Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội”, “Tổ Phụ nữ tuyên truyền phòng chống tội phạm, mua bán phụ nữ trẻ em”, “Tổ Phụ nữ không có chồng, con, người thân vi phạm pháp luật, an toàn giao thông và tệ nạn xã hội”;

- Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tỉnh ... tích cực triển khai thực hiện kế hoạch công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại cơ quan, đơn vị.

3. Công tác phòng ngừa mại dâm

- Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch lồng ghép và triển khai tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người...

- Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, thông báo kịp thời các phương thức, thủ đoạn, nhất là những thủ đoạn lừa đảo đưa phụ nữ ra nước ngoài bán dâm, dụ dỗ lôi kéo trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn tham gia hoạt động mại dâm, sử dụng công nghệ cao, không gian mạng để hoạt mại dâm, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy… Tiếp tục phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, khu phố, gia đình văn hóa, xã, phường, thị trấn lành mạnh không có mại dâm.

4. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ

- Đội Liên ngành 178 tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành nhằm thực hiện công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm; 6 tháng đầu năm đã tổ chức 20 lượt kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố.

5. Công tác đấu tranh, xử lý tội phạm liên quan đến mại dâm

- Cơ quan chức năng các cấp đã thường xuyên tổ chức khảo sát, điều tra các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm gái mại dâm; xử lý triệt để các tụ điểm mại dâm đứng đường đón khách.

- Sáu tháng đầu năm, các phòng chức năng Công an tỉnh đã xử lý 04 tụ điểm mại dâm; bắt 15 đối tượng.Trong đó: xử lý hình sự 02 vụ/02 đối tượng; xử lý hành chính 02 vụ/13 đối tượng; phạt tiền 01 cơ sở là 35 triệu đồng.

6. Công tác xây dựng thí điểm các mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho người bán dâm

Tỉnh đã tiếp tục duy trì sinh hoạt Mô hình phòng ngừa và giảm hại tệ nạn mại dâm đối với nhóm người có nguy cơ cao và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tiếp cận các chính sách của Nhà nước cụ thể như vay vốn, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, nâng cao nhận thức về phòng chống tránh xa các loại tệ nạn xã hội trong đời sống.

Với những kết quả đạt được nêu trên, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm được đặt ra như sau:

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm;

- Nâng cao năng lực cán bộ phụ trách công tác phòng, chống mại dâm. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, vận động người bán dâm hoàn lương; chú trọng phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể cơ sở nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thuộc tỉnh;

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm;

- Kiểm tra, đánh giá các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung, phòng chống mại dâm nói riêng. Tổ chức khảo sát, thống kê các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, người bán dâm; tăng cường công tác phối hợp quản lý địa bàn, quản lý đối tượng nhằm phục vụ công tác triệt phá các ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về mại dâm./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày