Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 97.043
Truy câp hiện tại 71

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 12/07/2014

Sáng 10/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020”.

Từng bước đưa Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng hiện đại

 Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, Kết luận 48 của Bộ Chính trị đáp ứng tâm tư, tình cảm và mong mỏi của các tầng lớp nhân dân Thừa Thiên Huế. Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, bám sát cơ sở và vận động quần chúng nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đồng thuận xã hội, tích cực hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng các tuyến phố, tuyến đường văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh – sạch – đẹp; triển khai tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tạo niềm tin và quyết tâm cao trong thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị.

      Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2009 - 2013 đạt trên 10,2%, cao hơn mức bình quân chung cả nước và tương đương với mức bình quân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thu ngân sách nhà nước đạt gần 5.000 tỷ đồng/năm. GDP đầu người tăng hơn 1,77 lần so với năm 2009. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 38,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: du lịch – dịch vụ chiếm 54%; công nghiệp chiếm 36%; nông nghiệp chiếm 10% trong GDP, tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế theo hướng “tăng trưởng xanh” và kinh tế tri thức. Thừa Thiên Huế đã hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm cho nhân dân hai huyện Nam Đông, A Lưới và chương trình tái định cư dân vạn đò sông Hương, vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai với hơn 2.000 hộ dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,5%.

      Ngành Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với trên 2,4 triệu lượt khách du lịch, tăng 2 lần so với năm 2009, doanh thu du lịch tăng bình quân 19%/năm. Các loại hình dịch vụ vận tải, thông tin liên lạc, tài chính ngân hàng có tốc độ tăng trưởng gần 20%/năm; dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển theo hướng xã hội hóa.

      Sản xuất công nghiệp ổn định, tăng trưởng bình quân 13,5%/năm. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng trưởng trong các ngành có lợi thế như: chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may, vật liệu xây dựng…Các khu công nghiệp được đầu tư mở rộng.

      Nông nghiệp phát triển toàn diện và đa dạng, hình thành nhiều vùng chuyên canh cao su, sắn công nghiệp, lạc…Kinh tế biển và đầm phá phát triển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Năm 2014, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân 86 xã còn lại đạt gần 14/19 tiêu chí nông thôn mới.

      Tập trung khai thác thế mạnh về văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch để phát triển kinh tế, cùng với Đà Nẵng trở thành một cực tăng trưởng của Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Huy động các nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, nâng cấp đô thị Huế đạt 78,84/100 điểm theo Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Tập trung chỉ đạo, xây dựng và phát triển đô thị theo hướng “Đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Phát huy vị thế trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước để phát triển du lịch, gắn bảo tồn phát huy tốt giá trị di sản Cố đô Huế với xây dựng Thành phố văn hóa, Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

      Quốc phòng, an ninh bảo đảm, giữ vững ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể từng bước được nâng cao. Nội bộ đoàn kết, đội ngũ cán bộ có bước trưởng thành.

      Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện nay, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh của kinh tế chưa ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh. Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trên các lĩnh vực chưa được khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu so với vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh về văn hóa. Công tác xây dựng Đảng vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, công tác điều hành, quản lý của chính quyền các cấp trên một số mặt còn hạn chế…

      Thừa Thiên Huế xác định mục tiêu đến năm 2020, xây dựng theo mô hình đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; phấn đấu xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á; quuốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao rõ rệt, ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Quang cảnh buổi làm việc

       Phát huy tiền năng, nội lực, tự chủ phát triển toàn diện và có bước đột phá

      Tại buổi làm việc, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã cho ý kiến, khẳng định những kết quả đã đạt được của Thừa Thiên Huế sau 5 năm thực hiện Kết luận 48, đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém cần khắc phục để tiếp tục xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành những mục tiêu như Kết luận đã đề ra.

      Kết luận buổi làm việc, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, sau 5 năm thực hiện Kết luận 48, Thừa Thiên Huế có chuyển biến tương đối rõ rệt, rõ nhất là kinh tế như đã báo cáo. Tỉnh đã giữ được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, luôn ý thức phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa, phát huy được thế mạnh của tỉnh về du lịch gắn với bảo vệ môi trường “nhà trong vườn, vườn trong thành phố”…Tỉnh đã làm tốt công tác xây dựng Đảng, nội bộ đoàn kết, tạo đà, khí thế đi lên.

      Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế và so với yêu cầu, so với mong muốn thì vẫn còn nhiều hạn chế, cần phát triển mạnh hơn nữa, đột phá hơn nữa. Nguyên nhân khách quan là thiếu về nguồn nhân lực, cách thức điều hành như đã phân tích.

      Về phương hướng phát triển sắp tới, Bộ Chính trị tán thành với những nội dung trong báo cáo và lưu ý thêm với Thừa Thiên Huế, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa, đầy đủ hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, đặc điểm phát triển của Thừa Thiên Huế. Đó là vấn đề văn hóa, du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế biển, kinh tế đầm phá, kinh tế miền Tây, nâng cao đời sống của đồng bào, nhân dân phía Tây của tỉnh. Trên cơ sở đó có một kế hoạch bứt phá hơn nữa, nổi trội hơn nữa.

      Bộ Chính trị lưu ý các giải pháp, trước hết là quy hoạch theo tinh thần phải đồng bộ, phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội – môi trường, hài hòa giữa đô thị và nông thôn, giữa các vùng, miền, hài hòa giữa phát triển bền vững với nhịp độ tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế nhưng phải bảo đảm hài hòa cả văn hóa, du lịch, y tế… Chú ý công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xác định kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Hiện nay, toàn Đảng đang chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, hôm nay Bộ Chính trị đã cho ý kiến, gợi ý một số điểm, tỉnh cần bàn bạc thống nhất, tạo điểm nhấn, chuẩn bị tốt nội dung Đại hội Đảng bộ tỉnh, bàn phương hướng sắp tới, khắc phục những hạn chế, yếu kém mà Bộ Chính trị đã chỉ ra, chuẩn bị nguồn nhân lực, đặc biệt là công tác cán bộ.

      Tổng Bí thư lưu ý, trong tình hình hiện nay, cần quan tâm vấn đề giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc, an ninh trật tự, đảm bảo an toàn xã hội.

      Bộ Chính trị lưu ý Thừa Thiên Huế cần hết sức quan tâm đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo. Vấn đề này cần lưu ý 3 điểm. Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy với một tinh thần chủ động, tự lực vươn lên, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực tại chỗ tốt hơn nữa. Phát huy khai thác mọi nguồn lực gồm cả nguồn lực, tài lực, vật lực. Hai là, trong lãnh đạo, chỉ đạo cần chú ý vừa toàn diện nhưng chú ý trọng tâm, trọng điểm tạo bước đột phá, bứt phá. Với tinh thần chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, năng động, sáng tạo hơn nữa. Ba là, cần chú ý phát huy nguồn lực tại chỗ với liên kết vùng và bản thân tỉnh cũng phải phát huy vai trò lan tỏa, Festival tạo dấu ấn tốt, nhiều lễ hội văn hóa làm tốt.

      Về các kiến nghị, việc nâng cấp thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, nhất quán với Kết luận 48, nhưng phải chuẩn bị kỹ. Vì lưu ý mấy điểm, về diện tích Thừa Thiên Huế là hơn 5.000 km2, 6 huyện ngoại thành, trở thành thành phố lớn nhất cả nước về diện tích, trong khi đó đô thị hóa toàn tỉnh mới đạt 52%, còn tiêu chí mới được 73%. Ngân sách Trung ương vẫn phải hỗ trợ 24%, đó là chưa kể thủ tục hành chính… Bộ Chính trị có chủ trương, tỉnh phải làm Đề án và thực hiện bằng được các mục tiêu này để sớm trình Bộ Chính trị, xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương, trên cơ sở đó, Chính phủ trình ra Quốc hội. Do đó, cần chuẩn bị kỹ, tạo bước nhảy vọt về chất, khi nào đủ điều kiện thì tiếp tục làm.

      Về những kiến nghị đầu tư nguồn lực về ngân sách cho 3 dự án thì Bộ Chính trị ủng hộ về chủ trương, giao Ban cán sự Đảng Chính phủ tính toán cân đối nguồn lực chung. Một mặt, Thừa Thiên Huế phải tự lực, chủ động, phát huy mọi nguồn lực tại chỗ, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần.

      Về việc phát triển đại học Huế, Bộ Chính trị cho rằng, tỉnh cần xây dựng Đề án và đưa vào trong quy hoạch và tính từ nay đến năm 2020, khi nào đủ điều kiện cần thiết thì thành lập Đại học quốc gia Huế như trong kiến nghị.

      Tổng Bí thư giao cho Văn phòng Trung ương cùng các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trên cơ sở các ý kiến tại buổi làm việc, tổng hợp để Bộ Chính trị ra Kết luận về tiếp tục thực hiện Kết luận số 48-KL/TW và lưu ý thêm một số vấn đề. Tổng Bí thư tin tưởng và mong muốn rằng, sau buổi làm việc này, Thừa Thiên Huế sẽ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét, thực chất hơn trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Kết luận số 48 của Bộ Chính trị./.

www.thuathienhue (nguồn: dangcongsan.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày