Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 97.043
Truy câp hiện tại 49

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương diện mạo như thế nào?
Ngày cập nhật 31/03/2014

 -Cách đây 18 năm, vào ngày 06/11/1996, Trưởng ban tổ chức Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đã báo cáo tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa IX việc thông qua đề xuất của Chính phủ “Kiến nghị đổi tên tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố Huế trực thuộc Trung ương”. Việc bỏ phiếu không thành.

 
 

Ngày 25/5/2009, Bộ Chính trị đã họp với tỉnh Thừa Thiên Huế và có Kết luận số 48 –KL/TW về việc xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới. Qua 5 năm thực hiện tích cực Kết luận 48 của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chuyển biến; nhiều kết quả xây dựng đô thị, theo tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ Xây dựng và Chính phủ thì Thừa Thiên Huế đạt kết quả đề ra và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các ngành chức năng đang gấp rút xúc tiến “Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế”. Đề án này được các nhà khoa học nghiên cứu thảo luận kỹ và sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ để trình ra Quốc Hội trong một cuộc họp sắp tới. Ở đây, chúng tôi không nói đến những kết quả phấn đấu trong 5 năm qua của cán bộ và nhân dân tỉnh mà xin phân tích chất đô thị của Huế và mô tả cơ cấu, diện mạo, hình thù của thành phố Huế trực thuộc Trung ương trong tương lai gần.
Từ thời các chúa Nguyễn, dưới tác tên gọi khác nhau, Huế là thủ phủ của Đàng Trong trong thời gian dài. Đến thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ (1789 – 1802), thời Nhà Nguyễn (1802-1945), nước Đại Việt thống nhất đến ngày 12/7/1899, Triều đình Huế mới ra dụ thành lập thị xã Huế, được Toàn quyền Đông Dương (Pháp) chuẩn y vào ngày 30/8/1899. Ngày 12/9/1929, thị xã Huế được quyết định nâng cấp lên thành thành phố Huế, dù tên gọi như thế nào, Huế cũng là đô thị thủ đô của Đàng Trong và Đại Việt suốt từ năm 1687 (từ khi Chúa Nguyễn vào phủ Kim Long) đến năm 1945 (258 năm). Thủ phủ, hay thủ đô của một quốc gia ngần ấy năm là vô cùng quan trọng để hình thành nên những đặc thù và tính cách đô thị của Huế. Đó là văn hóa giao tiếp, kiến trúc, ẩm thực, lễ hội... Đó là tính cách ứng xử, nếp sống cung đình ảnh hưởng đến xã hội; là nếp sống và văn hóa của thị dân. Về trầm tích văn hóa đô thị, thị dân này, ở nước ta hiện nay, Huế chỉ xếp sau Hà Nội.
Sau Cách mạng tháng Tám, ngày 21/12/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành sắc lệnh số 77, đặt Huế là thành phố trực thuộc Trung Kỳ, “tạm coi như một thị xã”. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ có 3 thành phố lớn kết nghĩa: Hà Nội - Huế - Sài Gòn mà các vị lãnh đạo có uy tín đã đại diện cho ba thành phố ký kết văn bản kết nghĩa, gồm, Trần Văn Giàu (Sài Gòn), Trần Duy Hưng (Hà Nội), Hoàng Anh (Huế) đã long trọng ký kết nghĩa 3 thành phố lớn trong toàn quốc. Tại sao Bác Hồ lại chọn 3 thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn để kết nghĩa. Trong suy nghĩ của Bác, đây là 3 thành phố đủ tầm lớn về nhân văn, văn hóa, về sự tích tụ và lan tỏa, đại diện cho 3 miền đất nước, mà gọi tên lên là cả thế giới biết. Từ năm 2000 đến 2014 này, đã diễn ra định kỳ Festival Huế 2 năm một lần. Để tổ chức được một Festival văn hoá tầm quốc tế, chúng ta phải có đủ tầm văn hoá để đối tác với văn hoá nghệ thuật các nước từ 5 châu lục. Huế là Trung tâm văn hoá Việt Nam suốt 142 năm Triều Nguyễn (1902-1945) nên có đủ vốn liếng văn hóa, chiều sâu văn hoá bác học và dân gian để tổ chức thành công các Festival. Tôi nghĩ, chính đây là cái “chất trung ương”, chất “đại biểu”, độ lớn mang tầm quốc gia và quốc tế của Huế, chứ không phải các tiêu chí về đường sá, nhà cửa, thu nhập. Cho nên không phải thành phố trực thuộc Trung ương nào hiện nay cũng đủ tầm văn hóa để tổ chức được các Festival lớn như Huế.
Nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân Thừa Thiên Huế là tên gọi của thành phố trực thuộc Trung ương là thành phố Huế. Danh xưng “Huế” đã được sử dụng một cách rộng rãi và đã trở thành biểu tượng văn hóa của một vùng đất. Địa danh Huế đã có lịch sử lâu đời và đã khắc sâu trong ký ức người dân Huế nói riêng, người Việt Nam và bạn bè quốc tế nói chung. Từ “Huế” đã được sử dụng rộng rãi trong đời sống nhân dân như: Người Huế, ẩm thực Huế, văn hóa Huế, du lịch Huế, di tích Huế, nhã nhạc cung đình Huế, bún Huế, nón Huế, ca Huế. v.v..
Vậy, diện mạo thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ như thế nào? Đây là thành phố được xây dựng theo mô hình: Thành phố di sản, cảnh quan, sinh thái và thân thiện với môi trường. Trong định hướng quy hoạch và xây dựng trong 5 năm qua, để thành phố Huế trực thuộc Trung ương định hình như sau: Thành phố Huế hiện nay sẽ là đô thị trung tâm chia làm 3 đến 4 quận (có thể đặt tên là quận Thuận Hóa, Ngự Bình, Nam Giao), 2 thị xã là Hương Thủy và Hương Trà, 6 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Nam Đông, A Lưới. Có ý kiến cho rằng, để tránh xáo trộn, tăng thêm bộ máy hành chính, tất cả các phường thuộc thành phố Huế hiện nay giữ nguyên, không sáp nhập thêm các địa phương ở thị xã Hương Thủy, Hương Trà vào, chỉ thành lập 2 quận ở Bắc sông Hương và Nam sông Hương.
Diện mạo đô thị Huế trực thuộc Trung ương còn có các chùm đô thị, khu du lịch, cảng biển, sân bay, làng đại học, bệnh viện chất lượng cao, như: Đô thị Chân Mây, Lăng Cô, Thuận An... sân bay quốc tế Phú Bài, 2 cảng biển Chân Mây và Thuận An. Vịnh Lăng Cô là một trong 3 vịnh đẹp nhất của Việt Nam (Hạ Long, Nha Trang, Lăng Cô), Khu bảo tàng thiên nhiên Bạch Mã, Khu du lịch tâm linh Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, các trường đại học, Bệnh viện Trung ương Huế với nhiều kỹ thuật hiện đại so với khu vực và thế giới, số lượng trí thức đông đảo chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh v.v..
Với những thiết chế trên, thành phố Huế chắc chắn sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng.

 

Huế vào xuân (ảnh dự thi "Thừa Thiên Huế - những góc nhin"

                                                                     Theo: Ngô Minh ( baothuathienhue.gov.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày