Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 111.211
Truy câp hiện tại 229

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Sở Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2016
Ngày cập nhật 26/06/2023

Nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” năm 2023, vào sáng ngày 21 tháng 6 năm 2023, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Hội thảo do đồng chí Nguyễn Thanh Sơn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, với sự tham dự của các đại biểu là đại diện Lãnh đạo của một số cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện; đại diện Lãnh đạo một số tổ chức công chứng và đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh; đại diện Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và đại diện trường Đại học Luật – Đại học Huế.

Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Sau hơn 05 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả cụ thể, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập, dẫn tới xảy ra nhiều vụ, việc vi phạm liên quan tới hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất. Trước yêu cầu thực tiễn đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 05 tham luận đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, các tổ chức đấu giá và các chuyên gia, nhà khoa học. Nội dung các tham luận chủ yếu tập trung góp ý vào các quy định tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá; trình tự, thủ tục đấu giá đối với một số loại tài sản đấu giá đặc thù và quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản,...

Ngoài các tham luận trình bày tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, phản biện về một số nội dung còn nhiều vướng mắc tại dự thảo Luật, như: Quy định tại điểm d khoản 15 Điều 1 về “những người không được đăng ký tham gia đấu giá” như dự thảo Luật là hạn chế quyền công dân, quyền về tài sản của công dân khi tham gia đấu giá hay đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong hoạt động đấu giá? Quy định tại điểm d, khoản 12 Điều 1 của Dự thảo Luật về “trách nhiệm thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá kèm theo thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia” có thực sự thuận lợi và phù hợp với điều kiện thực tiễn hay không?... Các đại biểu cũng có ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần hướng đến việc xem xét xây dựng cơ chế đấu giá đối với một số loại tài sản có tính đặc thù (ví dụ như đối với tài sản kê biên, cưỡng chế để thi hành án thì việc tổ chức để người tham gia đấu giá được xem tài sản trước khi tổ chức đấu giá là khá khó khăn),..v.v…

Bên cạnh đó, đối với nội dung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản cũng được đưa ra Hội thảo để trao đổi, thông tin cụ thể: Trang thông tin điện tử đấu giá quốc gia do Bộ Tư pháp quản lý, vận hành (https://dgts.moj.gov.vn) hiện nay mới chỉ đảm bảo dịch vụ công trực tuyến độ 3,  đăng thông báo công khai về việc lựa chọn tổ chức đấu giá, thông báo công khai việc đấu giá tài sản và chưa đạt mức độ 4 để có thể vận hành tương tác tổ chức hoạt động đấu giá trực tuyến. Do đó, trong thời gian tiếp theo cần xem xét đến giải pháp xây dựng Trang Đấu giá trực tuyến quốc gia là điểm truy cập tập trung và duy nhất; tích hợp các kênh thông tin các dịch vụ, ứng dụng; là một sản phẩm hệ thống phần mềm được phát triển trên một sản phẩm phần mềm cổng lõi (Portal core), thực hiện trao đổi thông tin, dữ liệu với các hệ thống thông tin, đồng thời thực hiện cung cấp và trao đổi với người sử dụng thông qua một phương thức thống nhất trên nền tảng web tại bất kỳ thời điểm nào và từ bất kỳ đâu. Qua đó, tạo một kênh trao đổi, tương tác thông tin, cho phép tích hợp các phần mềm để xử lý công việc chuyên môn và hỗ trợ tác nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, góp phần tạo ra một môi trường làm việc cộng tác đơn giản và hiệu quả,...

Nhìn chung, Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu, nội dung đã đặt ra; thông qua Hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia đã có những ý kiến, đề xuất quan trọng, có giá trị đóng góp sâu sắc trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2016./.

Thùy Trang
Các tin khác
Xem tin theo ngày