Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 111.211
Truy câp hiện tại 243

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Các mốc thời gian liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Ngày cập nhật 26/06/2023

Quy định liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2022 (viết tắt là Luật Xử lý vi phạm hành chính); Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (viết tắt là Nghị định số 118/2021/NĐ-CP). Bài viết đề cập đến các mốc thời gian cần lưu ý liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

 

1. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 17 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP)

a) Đối với vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c dưới đây (không thuộc trường hợp giải trình, không xác minh các tình tiết có liên quan và các trường hợp: cá nhân, tổ chức vi phạm không gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc không gửi văn bản đề nghị gia hạn thời hạn giải trình trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc ghi rõ ý kiến trong biên bản vi phạm hành chính về việc không thực hiện quyền giải trình):

- Thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

- Vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

b) Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;

c) Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b nêu trên mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

d) Trường hợp tiếp nhận hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính từ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự theo quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 30 ngày, kể từ ngày nhận được các quyết định (một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án) kèm theo hồ sơ vụ vi phạm. Trong trường hợp cần xác minh thêm tình tiết để có căn cứ ra quyết định xử phạt thì thời hạn tối đa không quá 45 ngày.

Vấn đề trao đổi:

- Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính (trừ trường hợp tiếp nhận hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính từ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự).

Có 02 trường hợp chuyển: (1) Theo khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản; (2) điểm d khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.

Như vậy, có thể hiểu 2 trường hợp nêu trên (chuyển biên bản và các tài liệu khác) thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt không? Khoản 2 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục. Như vậy, hồ sơ trong trường hợp này là đã có quyết định xử phạt. Tuy nhiên, tinh thần của điểm a khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính là vụ việc chưa có quyết định xử phạt và phải chuyển đến người có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt. Do đó, theo quan điểm của tác giả, 2 trường hợp chuyển biên bản nêu trên thuộc trường hợp áp dụng thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, điểm a khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính cần được xem xét, chỉnh lý từ “hồ sơ” thành “biên bản vi phạm hành chính và các tài liệu liên quan” để phù hợp với quy định về hồ sơ phạt vi phạm hành chính tại khoản 2 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

-  Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thiếu sự thống nhất khi có trường hợp quy định là “ngày”, có trường hợp là “ngày làm việc”, trường hợp là “tháng”. Vì vậy, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sử dụng thống nhất đơn vị tính thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 75 Luật xử lý vi phạm hành chính; Điều 19 Nghị định số 181/2021/NĐ-CP)

Trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản, mà quyết định xử phạt vẫn còn thời hiệu thi hành, thì người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày người bị xử phạt chết được ghi trong giấy chứng tử; người bị mất tích được ghi trong quyết định tuyên bố mất tích; kể từ thời điểm cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo về việc doanh nghiệp giải thể; thời điểm quyết định tuyên bố phá sản có hiệu lực.

Quyết định thi hành gồm các nội dung sau đây: a) Đình chỉ thi hành các hình thức xử phạt, lý do đình chỉ; trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này; b) Hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả tiếp tục thi hành.

Trách nhiệm thi hành hình: cá nhân, tổ chức đang quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm thi hành hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; cá nhân là người được hưởng di sản thừa kế được xác định theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong phạm vi di sản thừa kế.

3. Gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành/Gửi quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 70 Luật xử lý vi phạm hành chính; Điều 19 Nghị định số 181/2021/NĐ-CP)

- Gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.

- Gửi quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính: trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, phải gửi Quyết định đến cá nhân, tổ chức đang quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm thi hành hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; cá nhân là người được hưởng di sản thừa kế được xác định theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong phạm vi di sản thừa kế; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc giải thể, phá sản; người đại diện theo pháp luật của tổ chức bị giải thể, phá sản.

 4. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 73, 74 Luật xử lý vi phạm hành chính; Điều 19 Nghị định số 181/2021/NĐ-CP)

- Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

- Thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả) thực hiện như trường hợp thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

5. Nộp tiền phạt nhiều lần (Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người nộp phạt phải có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần (có xác nhận của cơ quan, tổ chức theo quy định về hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế). Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần. Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt.

Vấn đề trao đổi: Pháp luật không quy định thời hạn trong bao lâu thì người nộp phạt phải có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Tuy nhiên, xét tính khả thi thì thời hạn này phải trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Và pháp luật cũng không quy định trường hợp người đã ra quyết định phạt tiền không đồng ý với đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần thì thời hạn để trả lời là bao lâu. Cũng tương tự như trường hợp có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần thì thời hạn này phải trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

6. Hoãn thi hành quyết định phạt tiền; giảm, miễn tiền phạt (Điều 76, 77 Luật xử lý vi phạm hành chính)

- Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức phải có đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính kèm theo văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp), gửi người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét, quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt đó. Thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt không quá 03 tháng, kể từ ngày có quyết định hoãn.

- Giảm, miễn tiền phạt: Cá nhân, tổ chức phải có đơn đề nghị giảm, miễn tiền phạt kèm theo xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền gửi người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét, quyết định việc giảm, miễn và thông báo cho người có đơn đề nghị giảm, miễn biết; nếu không đồng ý với việc giảm, miễn thì phải nêu rõ lý do.

* Vấn đề trao đổi: Pháp luật xử lý vi phạm hành chính không quy định trong thời hạn bao lâu thì người thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đơn đề nghị giảm, miễn tiền phạt.

7. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 86, 88 Luật xử lý vi phạm hành chính; Điều 5 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP)

- Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính không quy định về thời hạn ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ nêu điều kiện thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể trong các trường hợp sau đây: a) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; b) Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Trong trường hợp khẩn cấp, cần khắc phục ngay hậu quả để kịp thời bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, nếu không hoàn trả thì bị cưỡng chế thực hiện.

- Thi hành quyết định cưỡng chế: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người ra quyết định phải gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế và cá nhân, tổ chức có liên quan. Quyết định cưỡng chế phải được thi hành ngay khi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế.

Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế; trường hợp quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 15 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế được tính kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế cho đến thời điểm chấm dứt hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính (01 năm, kể từ ngày ra quyết định)./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày