Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 111.211
Truy câp hiện tại 251

Chung nhan Tin Nhiem Mang

30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993 - 2023) và 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (2003 - 2023) được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới
Ngày cập nhật 20/06/2023

Kỷ niệm 30 năm (1993 - 2023) Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm (2003 - 2023) Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh Di sản thế giới là sự kiện đặc biệt trong chuỗi hoạt động của Festival Huế 2023. Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình kỷ niệm với nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 16-18/6).

 

Theo đó, Chương trình kỷ niệm gồm các hoạt động nổi bật như: Khai mạc triển lãm giang sơn Việt Nam trên Cửu Đỉnh (lúc 8h ngày 16/6 tại Hiển Lâm Các, Đại Nội – Huế); khai mạc triển lãm mỹ thuật và di sản chủ đề "Di sản diễn xướng cung đình và cảm hứng hội họa" (lúc 16h30 ngày 16/6 tại Trường lang Tử Cấm Thành, Đại Nội – Huế ); khai mạc triển lãm "Thần Kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị" qua thư pháp truyền thừa của Đài Loan (lúc 08h ngày 17/6 tại vườn Thiệu Phương, Đại Nội – Huế)…

   Đặc biệt, Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm các di sản được vinh danh với chủ đề "Di sản Cố đô, ký ức và trao truyền" sẽ diễn ra vào 19h30 ngày 17/6 tại quảng trường Ngọ Môn với sự tham gia của 9 đoàn nghệ thuật, gần 450 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, khán đài rộng lớn với sức chứa khoảng 6.000 người.

   Cũng trong dịp này, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ra mắt "Quỹ bảo tồn di sản Huế". Tôn chỉ của Quỹ bảo tồn di sản Huế là hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hoá Huế theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước; đưa các giá trị văn hóa, lịch sử đến với nhân dân, du khách và cộng đồng trong và ngoài nước một cách sâu sắc hơn; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững - Ảnh: Ngô Trần Hải An

 

 Từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn và là Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới thời 13 triều vua Nguyễn, Phú Xuân - Huế là nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu các luồng văn minh nhân loại. Trong các cố đô của Việt Nam, Huế là cố đô duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với những di sản văn hóa phi vật thể, chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

   Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Tiếp đó, ngày 07/11/2003, Nhã nhạc Việt Nam đã được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Đây là những sự kiện có ý nghĩa trọng đại, không những nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới mà còn tôn vinh giá trị của di sản văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới; góp phần mở ra những triển vọng cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của các tài nguyên đặc biệt này.
   Sau 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993 - 2023) và 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (2003 - 2023) được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới, với sự giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế, những nỗ lực vượt bậc của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là của nhân dân Thừa Thiên Huế, di sản văn hóa Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, từng bước hồi sinh diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử. Đến nay, đã có hơn 200 công trình được bảo tồn, trùng tu và phục dựng, cùng với hệ thống hạ tầng và cảnh quan môi trường cũng được phục hồi và nâng cấp. Nhã nhạc từng bước được bảo tồn với các hoạt động: sưu tầm, lưu trữ tài liệu; nghiên cứu và phục hồi hệ thống bài bản, nhạc cụ, y phục; tập huấn, đào tạo và truyền dạy qua các phương thức; tái hiện và phát huy giá trị trong không gian diễn xướng nguyên thủy của nó tại các cung điện, đàn miếu thuộc Quẩn thể di tích Cố đô Huế. Thông qua các hình thức giao lưu văn hóa, biểu diễn âm nhạc trong các kỳ Festival Huế, Đêm Hoàng cung, Dạ nhạc tiệc cung đình… Nhã nhạc đã đến gần hơn với công chúng và thực sự sống trong lòng cộng đồng; trở thành một phần khá quan trọng trong một số nghi lễ dân gian của người dân Huế và vùng phụ cận. Không chỉ là vốn quý, tài sản của dân tộc, Nhã Nhạc còn là một trong những minh chứng điển hình, đại diện cho khu vực Đông Nam Á về loại hình âm nhạc cổ xưa còn sót lại.
 Hiện nay, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Di sản văn hóa Huế đang phát huy hiệu quả vai trò, vị trí và giá trị của mình trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, phục vụ phát triển du lịch, không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân và đặc biệt là chiếm được nhiều cảm tình của du khách trong nước cũng như bạn bè trên khắp thế giới. Theo đánh giá của UNESCO, trong giai đoạn hiện nay, Quần thể di tích Cố đô Huế là di sản thế giới được bảo tồn rất tốt và là một trong những mô hình quản lý di sản có hiệu quả ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
   Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có các di sản văn hóa thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình cùng với phát huy giá trị văn hóa Huế, con người Huế đang thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển bền vững của Thừa Thiên Huế. Điều đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, chung sức chung lòng tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp thiết thực: (1) Tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Huế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tích cực vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Tăng cường đưa chương trình giáo dục di sản vào giảng dạy trong nhà trường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; (2) Đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong quản lý di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Chú trọng phát triển di sản bền vững gắn với phát triển du lịch bền vững có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng xã hội; (3) Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích với phát triển du lịch theo phương châm: quản lý thông minh, trải nghiệm thông minh và quảng bá thông minh.
 Di sản văn hóa là bộ phận quan trọng cấu thành nên văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Những giá trị văn hóa đọng lại trên các di sản văn hóa là những bằng chứng về sự trường tồn của cái đẹp, của quá khứ đối với hôm nay và ngày mai. Với bề dày lịch sử hơn 700 năm hình thành và phát triển, là địa phương hội đủ nhiều tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển nhanh và bền vững, tự hào là nơi gìn giữ một “gia tài” văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và nhân loại với 7 di sản được UNESCO công nhận, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thừa Thiên Huế đang nỗ lực, quyết tâm để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường, xứng tầm là trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch; góp phần xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
   Ngày nay, Quần thể Di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế là tài sản vô giá của quốc gia và thế giới. Bảo tồn toàn vẹn di sản văn hóa Cố đô Huế là bảo tồn tài sản văn hóa của dân tộc, góp phần gìn giữ và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại.
 
https://huecity.gov.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày