Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 111.211
Truy câp hiện tại 286

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kết quả 05 năm triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 17/05/2023

Ngày 20 tháng 6 năm 2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XIV đã thông qua Luật số 14/2017/QH14 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. Qua 5 năm tổ chức triển khai thi hành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, kết quả thực hiện, cụ thể như sau:

 

1. Công tác tuyên truyền

   Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành luôn được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong công tác triển khai thực hiện thi hành Luật. Vì vậy, ngay từ khi Luật có hiệu lực, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế đã chủ động chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nắm để thực hiện nghiêm các quy định của Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành.     

- Công an tỉnh được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đã tiến hành in ấn và cấp phát hơn 1.700 tập tài liệu tuyên truyền về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành cho Lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và lực lượng cốt cán trong Công an tỉnh. Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo Công an cấp huyện tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tham gia vận động thu hồi, tố giác và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chỉ đạo Công an cấp xã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, súng săn, súng kíp, súng tự chế..., lên danh sách những tổ chức, cá nhân (cựu chiến binh, người tham gia kháng chiến trước đây...) có điều kiện, khả năng còn lưu giữ vũ khí làm kỷ vật; đối tượng trước đây được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ nay theo quy định của Luật không được trang bị, sử dụng để có biện pháp tuyên truyền vận động phù hợp với đặc điểm, địa bàn, vùng miền, phong tục tập quán từng dân tộc, từng đối tượng để vận đông thu hồi triệt để.

- Chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương tổ chức cấp phát tài liệu tuyên truyền cho Công an cấp xã để tổ chức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của xã, phường, thị trấn và thông qua các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tổng kết phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đã lồng ghép tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tăng cường tuyên truyền trên các trang mạng xã hội: zalo, fanpage, Facebook,..; bảng LED, Cổng thông tin điện tử. Áp dụng mô hình dân vận khéo trong công tác tuyên truyền vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vừa phát động tuyên truyền rộng rãi, vừa tuyên truyền vận động cá biệt, song song với công tác tuyên truyền tiến hành cho cam đoan, cam kết.

- Chỉ đạo tổ chức Hội nghị làm điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tại xã Hồng vân, Hương Nguyên, huyện A Lưới, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, xã Thượng Long, huyện Nam Đông; tổ chức họp dân tại các thôn, bản để tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và cho cam đoan, cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Qua 05 năm triển khai thực hiện Luật, lực lượng Công an toàn tỉnh đã xây dựng 131 mô hình điểm về dân vận khéo, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng và những người có uy tín tổ chức 1.800 buổi họp dân tại các thôn, bản, khu dân cư, tổ dân phố để vận động tuyên truyền với 129.701 lượt người tham gia; tổ chức tuyên truyền vận động cá biệt 762 lượt đối tượng, 271 lượt hộ kinh doanh phế liệu, làm nghề rèn, thợ tiện gò hàn trên địa bàn và tiến hành ký cam đoan, cam kết không vi phạm. Đồng thời lồng ghép công tác tuyên truyền với công tác phúc tra dữ liệu thông tin dân cư; tổ chức thăm hỏi, tuyên truyền đến từng hộ gia đình với 27.951 lượt hộ dân, đề xuất Lãnh đạo địa phương trích kinh phí để in băng rôn, pano, áp phích vận động tuyên truyền. Tổ chức tuyên truyền 3.603 lượt xe lưu động, phát 735 lượt tin bài, phóng sự tuyên truyền qua loa phát thanh xã, phường, thị trấn.

- Cấp ủy chính quyền các địa phương đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; hàng năm có văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội và Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ, với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, nội dung phù hợp với từng vùng miền. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Ban chỉ đạo vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ gồm lực lượng cốt cán của xã và thôn, ngoài ra còn chọn những người có uy tín trong thôn, bản: Già làng, Trưởng bản, Trưởng họ tộc để tổ chức tuyên truyền mọi người dân chấp hành nghiêm túc Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ từ đó mọi người dân nắm rõ và tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

- Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế, Báo Công an Nhân dân, đã hỗ trợ tích cực Công an tỉnh tuyên truyền Luật quản lý, sử dụng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, đã đưa tin 09 phóng sự, 16 bài viết, 28 lượt tin truyền hình, 6 bài phát thanh liên quan đến vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

- Sở Công thương tổ chức Hội nghị phổ biến và quán triệt Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành cho 40 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn với 200 người có liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp tham dự.

2. Công tác tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

- Từ ngày 01/07/2018 đến ngày 01/01/2023, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng PX01, PC06 phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các cơ quan đơn vị có trang bị sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh tổ chức 07 lớp huấn luyện với 845 học viên, cấp 353 chứng chỉ quản lý vũ khí quân dụng, 209 chứng chỉ quản lý CCHT, 294 giấy chứng nhận sử dụng vũ khí quân dụng, 843 giấy chứng nhận sử dụng công cụ hỗ trợ.

- Phối hợp với Cục C06- Bộ Công an tổ chức tập huấn chuyên sâu Luật Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành, cho 175 đồng chí là chỉ huy Phòng PC06, ban chỉ huy Đội và cán bộ phụ trách chuyên đề về đăng ký quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Đội Đặc doanh, ban chỉ huy Đội cảnh sát trật tự, Cảnh sát 113; chỉ huy Phòng Hậu cần kỹ thuật, chỉ huy Đội Quản lý vật tư và đồng chí thủ kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chỉ huy các Phòng nghiệp vụ có trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ; chỉ huy phụ trách công tác quản lý hành chính về tệ nạn xã hội Công an cấp huyện, chỉ huy Đội Cảnh sát quản lý hành chính về tệ nạn xã hội, chỉ huy Đội Chính trị- Hậu cần, chỉ huy Đội Công an XDPT và PTX và cán bộ trực tiếp quản lý, cất giữ vũ khí, công cụ hỗ trợ của Công an các địa phương; Trưởng Công an các phường, thị trấn và trưởng Công an các xã trọng điểm.

- Sở Công thương phối hợp Trường Cao đẳng Công thương miền Trung, Hội kỹ thuật nổ mìn Việt Nam tổ chức 02 lớp sơ cấp khoan nổ mìn cho 80 công nhân là chỉ huy nổ mìn, thợ mìn của các doanh nghiệp. Thường xuyên huấn luyện, kiểm tra cấp giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người quản lý vật liệu nổ công nghiệp, chỉ huy nổ mìn, thợ mìn, người vận chuyển, người quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp.

3. Công tác đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và các địa phương thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, nhân dân và đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Công an tỉnh và Sở Công thương là đơn vị trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính: Niêm yết công khai các thủ tục tại trụ sở tiếp dân, rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa các thủ tục đối với cơ quan, tổ chức trong việc cấp các loại giấy phép sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ:

- Công an tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục cấp: 36 giấy phép trang bị công cụ hỗ trợ; 1063 giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng;  4.361 giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ; 3449 giấy xác nhận đăng ký CCHT; ký cấp 3.211 Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, ký xác nhận 4.038 lượt đăng ký tiếp nhận vật liệu nổ công nghiệp. Định kỳ hàng năm tổ chức kiểm tra công tác bảo quản, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức được phép trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng, tránh để xảy ra thất thoát, sử dụng sai mục đích.

            - Sở Công thương đã tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục cấp 52 giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn. Định kỳ hàng năm đã phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương liên quan kiểm tra tình hình hoạt động vật liệu nổ công nghiệp của các doanh nghiệp. Qua kiểm tra, nhìn chung các doanh nghiệp đã ứng dụng rộng rãi phương pháp nổ mìn vi sai phi điện, hạn chế tối đa sử dụng kíp nổ K8); các doanh nghiệp đã chấp hành đầy đủ các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Quyết định số 64/2018/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể như: Đã lập và phê duyệt phương án nổ mìn, việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thực hiện theo quy trình, quy định kỷ thuật về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; khối lượng thuốc nổ sử dụng không vượt quá khối lượng cho phép; nổ mìn trong thời gian quy định; có thỏa thuận thống nhất với các đơn vị có liên quan về thời điểm, tín hiệu, thông tin liên lạc, khoảng cách an toàn và các điều kiện an toàn nổ mìn để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, nổ mìn; hộ chiếu nổ mìn được lập theo đúng mẫu quy định với đầy đủ thông số kỹ thuật; thực hiện nghiêm túc việc thông báo nổ mìn gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị liên quan.

4. Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Các cơ quan chức năng trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chủ công là lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng đã chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo lực lượng từ tỉnh đến cơ sở tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

- Công an tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trong đó, Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 294/KH-CAT-PC06 và Kế hoạch số 1094/KH-CAT-PC02 tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, vùng, miền, những trang mạng, tài khoản hướng dẫn chế tạo, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; loại tội phạm nổi lên hoạt động phạm tội để xây dựng biện pháp tuyên truyền vận động cá biệt và áp dụng biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn; chỉ đạo phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, nhất là các địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới để kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với các trường hợp mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đưa ra truy tố, xét xử một số vụ án điểm để tuyên truyền, răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

- Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thường xuyên quan tâm ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, các Đồn biên phòng triển khai quyết liệt các giải pháp đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn biên giới, kịp thời bắt giữ và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm. Chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức 03 đợt, với 4.065 hộ dân tham gia ký cam kết, không tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, từ đó góp phần làm giảm số vụ việc vi phạm pháp luật về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn khu vực biên giới.

Kết quả trong 05 năm triển khai thực hiện Luật các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 48 vụ/93 đối tượng, 01 tổ chức có hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (so với 05 năm thực hiện Pháp Lệnh tăng 11 vụ/ 54 đối tượng); thu giữ 03 súng quân dụng, 02 súng có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, 02 súng thể thao, 33 súng tự chế các loại, 73 kg thuốc bom, 202kg thuốc nổ, 775 viên đạn các loại; 538 kíp điện K8, 35 linh kiện súng các loại, 11 công cụ hỗ trợ, 30 VKTS.

5. Kết quả vận động toàn dân giao nộp và thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

- Thường xuyên duy trì, kiện toàn Ban chỉ đạo vận động toàn dân giao nộp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, có bố trí điểm tiếp nhận tại Ủy ban nhân dân hoặc Công an xã, phường, thị trấn, thường xuyên bố trí người tiếp nhận, khi có người đến giao nộp hoặc có thông tin về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đều có lực lượng Công an, Quân sự tiến hành tiếp nhận, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã mở nhiều đợt cao điểm tuyên truyền, vận động toàn dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đã tiến hành kiểm tra, rà soát, lập danh sách các trường hợp còn nghi vấn tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để tuyên truyền, vận động cá biệt; tổ chức ký cam kết không vận chuyển, mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với đối tượng trọng điểm.

   - Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ngành và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân, qua 05 năm triển khai thực hiện, trên địa bàn toàn tỉnh đã vận động thu hồi được một số lượng lớn vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gồm: 36 súng quân dụng, 19 súng thể thao, 517 súng hơi, súng săn, súng tự chế các loại, 14 súng có tính năng tác dụng tương tự, 40 linh kiện súng; 557 viên đạn quân dụng; 921 viên đạn khác; 143 quả bom; 17 lựu đạn, mìn; 196 quả đạn, đầu đạn pháo các loại; 1,1kg thuốc nổ; 186 công cụ hỗ trợ; 188 vũ khí thô sơ. (So với 5 năm thực hiện Pháp lệnh tăng: 15 súng thể thao, 271 súng hơi, súng săn, súng tự chế các loại, 140 quả bom; giảm: 10 súng quân dụng, 57 lựu đạn, 181 quả đạn, đầu đạn pháo các loại, 767 viên đạn, 110 công cụ hỗ trợ, 18 vũ khí thô sơ).

            Sở Ngoại vụ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban quản lý dự án “Giảm thiểu nguy cơ bom, mìn tại tỉnh Thừa Thiên Huế” giai đoạn 2018-2020; 2022- 2025 tiến hành các hoạt động khảo sát phi kỹ thuật, rà phá thực địa, xử lý bom, mìn sót lại sau chiến tranh. Kết quả đến tháng 3/2023 đã hoàn thành khảo sát phi kỹ thuật tại xã Phong An, Phong Hiền, Phong Chương, Phong Bình (huyện Phong Điền), xã Lâm Đớt (A Lưới), xã Dương Hòa, Phú Sơn (thị xã Hương Thủy); đã triển khai hoạt động rà phá tại xã Phong Sơn, Phong Xuân và Phong Mỹ (huyện Phong Điền), xã Hồng Thượng (huyện A Lưới), giải phóng tổng diện tích 1.159.224 m2 đất đai bị ô nhiễm bom mìn; phát hiện 944 vật nổ (VN), trong đó có 600 quả bom chùm; thực hiện 961 nhiệm vụ hủy nổ lưu động đáp ứng các tin báo qua đường dây nóng và qua các hoạt động khảo sát phi kỹ thuật, với tổng số 6.147 VN bao gồm 469 bom chùm được phát hiện hủy nổ an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

 

Ngọc Hiền
Các tin khác
Xem tin theo ngày