Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 111.211
Truy câp hiện tại 292

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính các quy định có liên quan và những nội dung cần lưu ý
Ngày cập nhật 17/05/2023

Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính - sửa đổi, bổ sung năm 2020 (sau đây gọi là Luật Xử lý vi phạm hành chính) thì cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp (i) cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 và (ii) cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cơ quan, người có thẩm quyền vẫn còn có một số sai sót, hạn chế như: ban hành quyết định cưỡng chế không đúng theo mẫu quy định; cấp phó ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi chưa được cấp trưởng giao quyền; áp dụng các biện pháp cưỡng chế không đúng theo thứ tự quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính; việc gửi quyết định cưỡng chế để tổ chức thi hành không đảm bảo theo quy định của pháp luật;... và còn lúng túng trong việc tổ chức thi hành cưỡng chế, nhất là cưỡng chế đối với cá nhân, tổ chức vừa bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính vừa bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Do đó, từ thực tiễn thi hành, trong bài viết này tác giả xin trao đổi một số nội dung có liên quan đến cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Về xác định thẩm quyền cưỡng chế

Những người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Qua nghiên cứu thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì có thể thấy giữa hai thẩm quyền này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong mối liên hệ này, thẩm quyền xử phạt phát sinh trước, còn thẩm quyền cưỡng chế phát sinh sau. Do vậy, những chức danh có thẩm quyền cưỡng chế hầu hết là những chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, không phải mọi chức danh có thẩm quyền xử phạt đều có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Các điều từ Điều 38 đến Điều 51 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho hơn 180 chức danh. Trong khi đó Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định cho hơn 100 chức danh có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Sự khác biệt này được lý giải bởi mục đích sử dụng thẩm quyền trong từng trường hợp cụ thể. Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính, nhu cầu quản lý nhà nước đòi hỏi việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng để bảo đảm vi phạm hành chính được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nhằm giữ gìn trật tự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã trao thẩm quyền xử phạt cho rất nhiều các chức danh khác nhau, đặc biệt là chức danh trực tiếp thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước (chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ, kiểm soát viên thị trường, công chức hải quan đang thi hành công vụ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên…). Trong khi đó, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, do đó đòi hỏi người ra quyết định phải giữ vị trí nhất định (các chức danh giữ chức vụ cấp trưởng) để bảo đảm mỗi quyết định cưỡng chế khi ban hành có tính pháp lý cao, hạn chế khiếu nại, khởi kiện. Một lý do khác mà các chức danh có thẩm quyền cưỡng chế là những chức danh được “chọn lọc” cao vì tính trách nhiệm của mỗi quyết định cưỡng chế buộc người có thẩm quyền cưỡng chế phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định, đặc biệt đó là những trường hợp ra quyết định cưỡng chế nhằm thi hành quyết định xử phạt của những chức danh khác chứ không phải để thi hành quyết định xử phạt của mình.

Việc giao quyền cưỡng chế cho cấp phó

Người có thẩm quyền cưỡng chế quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật Xử lý vi phạm hành chính có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao. Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định 03 trường hợp cấp trưởng có thể giao quyền cho cấp phó thực hiện một số thẩm quyền của mình: giao quyền xử phạt (Điều 54), giao quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt (Điều 87) và giao quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính (Điều 123). Tuy nhiên, về điều kiện giao quyền thì có sự khác nhau trong 03 trường hợp này. Nếu việc giao quyền xử phạt có thể được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc thì việc giao quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt. Điều này cũng cho thấy sự “thận trọng” của nhà làm luật khi quy định về giao quyền cưỡng chế so với giao quyền xử phạt vì hoạt động cưỡng chế đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn nhiều so với hoạt động xử phạt.

Về các biện pháp cưỡng chế

Theo quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì các biện pháp cưỡng chế bao gồm:

(i) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm (ii) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá (iii) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản (iv) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

Về thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế

Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế được tính kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế cho đến thời điểm chấm dứt hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; quá thời hạn này thì không thi hành quyết định cưỡng chế đó, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải cưỡng chế tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thi hành quyết định cưỡng chế

(i) Cá nhân, tổ chức liên quan có nghĩa vụ phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế triển khai các biện pháp nhằm thực hiện các quyết định cưỡng chế;

(ii) Lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc quyết định cưỡng chế của các cơ quan nhà nước khác khi được yêu cầu;

(iii) Tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền cưỡng chế; tiến hành phong tỏa số tiền trong tài khoản tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp hoặc phong tỏa toàn bộ số tiền trong tài khoản trong trường hợp số dư trong tài khoản tiền gửi ít hơn số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp; thực hiện việc trích chuyển số tiền phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Trong thời hạn 05 ngày làm việc trước khi trích chuyển, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế biết việc trích chuyển; việc trích chuyển không cần sự đồng ý của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.

Một số nội dung cần lưu ý

Một là, phải xác định đúng người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế theo quy định. Trường hợp người có thẩm quyền cưỡng chế giao quyền cho cấp phó thì việc giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền (theo Mẫu số MQĐ35 phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Và căn cứ vào biện pháp cưỡng chế (khấu trừ một phần lương/một phần thu nhập; khấu trừ tiền tài khoản; buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, ...) để áp dụng đúng mẫu quyết định cưỡng chế ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP phù hợp với từng vụ việc cụ thể.

Hai là, việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền.

Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương.

Ba là, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người ra quyết định phải gửi quyết định cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế và cá nhân, tổ chức có liên quan. Việc gửi quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan được thực hiện như sau:

Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.

Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định cưỡng chế đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình không nhận; quyết định cưỡng chế đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị cưỡng chế hoặc có căn cứ cho rằng người bị cưỡng chế trốn tránh không nhận quyết định cưỡng chế thì được coi là quyết định đã được giao.

Bốn là, người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự quy định tại Khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.

Năm là, trường hợp cá nhân, tổ chức vừa không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, vừa không chấp hành một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế quy định tại Mục 1, 2, 3 hoặc 4 Chương II và Mục 5 Chương II Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ  đối với cá nhân, tổ chức đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp cá nhân, tổ chức chỉ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả hoặc chỉ chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Mục 1, 2, 3 và 4 Chương II hoặc Mục 5 Chương II Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ đối với cá nhân, tổ chức đó.

Sáu là, người ra quyết định cưỡng chế tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.

Quyết định cưỡng chế phải được thi hành ngay khi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế.

Đề xuất, kiến nghị

Để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm việc thực thi các quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đúng quy định của pháp luật, kiến nghị đề xuất một số nội dung sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ công chức làm công tác xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức nói chung, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền cưỡng chế nói riêng về vị trí, vai trò của công tác xử phạt, trong đó có các quy định pháp luật về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước nói chung, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính nói riêng.

Hai là, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xử phạt vi phạm hành chính cho đội ngũ công chức, người thi hành công vụ, qua đó, nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong việc thực hiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ, tính chính xác, thống nhất trong áp dụng pháp luật của người có thẩm quyền.

Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vi phạm, từng bước đưa công tác này đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn./.

Văn Hóa
Các tin khác
Xem tin theo ngày