1. Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
- Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự (Khoản 2 Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015).
- Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là chủ thể giao dịch dân sự. Những người này có hai cách xác lập, thực hiện giao dịch dân sự: (i) Trực tiếp tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự; (ii) gián tiếp thông qua người đại diện theo uỷ quyền.
2. Người mất năng lực hành vi dân sự
- Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần (khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015).
- Người mất năng lực hành vi dân sự là chủ thể của giao dịch dân sự. Họ xác lập, thực hiện giao dịch thông qua phương thức gián tiếp qua người đại diện theo pháp luật.
Người đại diện theo pháp luật của người mất năng lực hành vi dân sự là người giám hộ, cụ thể các trường hợp: (i) giám hộ chọn: Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực (khoản 2 Điều 48 Bộ luật Dân sự năm 2015); (ii) Người giám hộ đương nhiên theo Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015; (iii) hoặc người đại diện theo pháp luật do Tòa án chỉ định nếu không xác định được người giám hộ (khoản 3 Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015).
3. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
- Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là chủ thể của giao dịch dân sự. Họ xác lập, thực hiện giao dịch dân sự theo Quyết định của Toà án, nghĩa là: tự mình trực tiếp thực hiện hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật – là người giám hộ, nếu Quyết định của Tòa án có quy định về nghĩa vụ của người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi) (khoản 1 Điều 23, khoản 2 Điều 57 và khoản 2 Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Lưu ý rằng: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có người giám hộ như sau: (i) giám hộ chọn nếu khi họ có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ (cá nhân hoặc pháp nhân) cho mình. (ii) Người giám hộ do Toà án chỉ đinh. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật trong trường hợp được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật.
4. Người hạn chế năng lực hành vi dân sự
- Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Người hạn chế năng lực hành vi dân sự là chủ thể của giao dịch dân sự. Họ được tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của mình nhưng phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng.
Người đại diện theo pháp luật của người hạn chế năng lực hành vi dân sự do Toà án chỉ định và quy định về phạm vi đại diện (khoản 2 Điều 24 và khoản 4 Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015).
5. Vấn đề trao đổi và kiến nghị
Điều 22, Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về mất năng lực hành vi dân sự và hạn chế năng lực hành vi dân sự. Các điều luật này nêu lên khái niệm và không đề cập đến vấn đề người thuộc trường hợp này có phải là người thành niên hay không, có nghĩa rằng, người thành niên hay chưa thành niên đều có thể rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong khi đó, Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì trước hết, đó phải là người thành niên, nghĩa là, tình trạng có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi không rơi vào trường hợp người chưa thành niên. Thiết nghĩ, người chưa thành niên về cơ bản đã là người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (theo độ tuổi), nhưng mức độ năng lực hành vi dân sự của họ theo từng giai đoạn tuổi là khác nhau. Do đó, vẫn có thể trong từng giai đoạn tuổi khi chưa thành niên, người này vẫn có thể có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với những giao dịch dân sự mà pháp luật cho phép họ được xác lập, thực hiện. Vì vậy, kiến nghị không giới hạn phạm vi “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người thành niên...”.
Theo khái niệm về người hạn chế năng lực hành vi dân sự tại Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trường hợp này không liên quan đến sức khỏe tâm thần của cá nhân mà do họ nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình (và vì vậy, đối tượng này không có người giám hộ). Tuy nhiên, thực tế việc nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thậm chí trong nhiều trường hợp còn bị ảnh hưởng nặng nề, không nhận thức, làm chủ được hành vi trong thời gian dài. Do đó, kiến nghị quy định người hạn chế năng lực hành vi dân sự là người có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi bị hạn chế để phù hợp với bản chất của trường hợp này là bị hạn chế do nguyên nhân từ chính chủ thể (nguyên nhân bên trong), không phải bị hạn chế bởi quyết định của Tòa án (nguyên nhân từ bên ngoài)./.