Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 111.211
Truy câp hiện tại 112

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh
Ngày cập nhật 13/03/2023

Tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh, trong bối cảnh kinh tế xã hội trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn, thách thức; đại dịch Covid-19; cùng với các đợt thiên tai bão lụt xảy ra liên tiếp đã tác động nặng nề đến tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ảnh hưởng trực tiếp quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Tuy nhiên, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy truyền thống đoàn kết, kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, quyết tâm phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

 

Công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 38/2021/QH15

Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn báo chí trong tỉnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các cơ chế, chính sách của Nghị quyết; Chương trình hành động của Tỉnh uỷ và Kế hoạch triển khai của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Công tác thể chế hóa thực hiện Nghị quyết

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết đối với tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Tỉnh đã phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2022/NĐ-CP ngày 20/10/2022 về thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế; đã chỉ đạo công tác cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách thông qua việc Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 12-CTr/TU ngày 13/5/2022 về việc thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch 231/KH-UBND ngày 30/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình số 12-CTr/TU của Tỉnh Ủy.

Ngoài ra, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm khuyến khích, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu thông quan tại bến cảng Chân Mây.

Những kết quả đạt được

- Về chính sách thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế

Thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Quỹ. Đến ngày 20/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế. Qua đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2692/QĐ-UBND ngày 07/11/2022 về việc thành lập Hội đồng Quản lý Quỹ, Giám đốc và cán bộ điều hành nghiệp vụ Quỹ và đang hoàn thiện điều lệ hoạt động Quỹ. Với cơ chế này, Quỹ bảo tồn di sản Huế được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác góp phần huy động nguồn lực tài trợ cho các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

- Về chính sách phí tham quan di tích: Ngày 26/10/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.

Ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí thăm quan di tích nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương và số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.

Chính sách trên được phép áp dụng từ năm 2022 trở đi, căn cứ dự toán số thu phí tham quan di tích nộp NSNN trong năm, địa phương được phép xây dựng dự toán chi đầu tư trung tu di tích tương ứng. Do tiếp tục ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022 không phát sinh nguồn thu phí tham quan di tích nộp NSNN; năm 2023 Hội đồng nhân dân tỉnh đã giao dự toán nguồn thu phí tham quan di tích nộp NSNN là 110 tỷ đồng và giao dự toán chi đầu tư tương ứng để thực hiện các dự án đầu tư trùng tu di tích.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung ưu tiên triển khai các giải pháp quyết liệt như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công; giải phóng mặt bằng và đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Với những chương trình cụ thể và bước đi vững chắc, tin tưởng rằng các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, cả nước và hội nhập quốc tế; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh phát triển mạnh mẽ, nhanh và bền vững, sớm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mục tiêu mà Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

 

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày