Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 111.211
Truy câp hiện tại 1.114

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Khó khăn, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Ngày cập nhật 02/08/2023

Ngày 12 tháng 02 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 19/2020/NĐ-CP). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 31/3/2020. Các quy định về xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 và 29 của Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

 

Có thể nói, việc Chính phủ ban hành Nghị định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định các hành vi vi phạm, áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật đối với từng hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng như nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, qua 03 năm triển khai thi hành trong thực tiễn, đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ:

Về ủy quyền ký ban hành kết luận kiểm tra

Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP thì “Trưởng đoàn kiểm tra ký ban hành kết luận kiểm tra trong trường hợp được người có thẩm quyền kiểm tra ủy quyền”. Và tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định “Trưởng đoàn kiểm tra có thể ủy quyền cho phó trưởng đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của mình”. Trong trường hợp này, Trưởng đoàn kiểm tra có được ủy quyền cho phó trưởng đoàn kiểm tra ký ban hành kết luận kiểm tra hay không vẫn còn có các quan điểm khác nhau, cụ thể như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP thì Trưởng đoàn kiểm tra có các trách nhiệm: Công bố quyết định kiểm tra đến đối tượng được kiểm tra; Thông báo cho đối tượng được kiểm tra về thành phần của đoàn kiểm tra; Tổ chức điều hành việc kiểm tra theo đúng nội dung của quyết định kiểm tra; Phân công công việc cụ thể cho thành viên đoàn kiểm tra; Chịu trách nhiệm trước người đã ban hành quyết định kiểm tra và trước pháp luật về hoạt động của đoàn kiểm tra; Thực hiện chế độ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của người đã ban hành quyết định kiểm tra đối với những vấn đề, nội dung phát sinh vượt quá thẩm quyền giải quyết của mình khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra; Lập, ký biên bản kiểm tra ngay sau khi kết thúc kiểm tra để ghi nhận kết quả kiểm tra; Báo cáo, đề xuất xử lý kết quả kiểm tra với người đã ban hành quyết định kiểm tra kèm theo hồ sơ kiểm tra khi kết thúc kiểm tra; trình người có thẩm quyền kiểm tra ban hành kết luận kiểm tra;… Do đó, Trưởng đoàn kiểm tra chỉ được ủy quyền cho phó trưởng đoàn kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ nêu trên mà không được ủy quyền cho phó trưởng đoàn kiểm tra ký ban hành kết luận kiểm tra.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Do khoản 3 Điều 15 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP không có nội dung quy định “người được ủy quyền không được ủy quyền cho người khác”. Do đó, Trưởng đoàn kiểm tra có thể ủy quyền cho phó trưởng đoàn kiểm tra ký ban hành kết luận kiểm tra.

Vì vậy, cần quy định cụ thể nội dung này để áp dụng thống nhất.

Về thực hiện kết luận kiểm tra

Điều 17 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận kiểm tra, đối tượng được kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện kịp thời và đầy đủ các nội dung kiến nghị đã được nêu tại kết luận kiểm tra. Trường hợp kết luận kiểm tra có nhiều nội dung, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thì đối tượng được kiểm tra phải lập kế hoạch thực hiện kết luận kiểm tra.

Như vậy, dù nội dung kết luận kiểm tra liên quan một đơn vị hay nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau có liên quan thì thời hạn triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện chỉ có 30 ngày (kể cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ, Tết). Quy định này khi áp dụng vào thực tiễn đã bộc lộ điểm chưa phù hợp. Vì, với thời hạn 30 ngày không đủ để triển khai nội dung kết luận kiểm tra có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau và tổng hợp báo cáo từ các đơn vị có liên quan thành báo cáo chung theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra (đặc biệt là đối với những ngành có địa bàn hoạt động rộng, đi lại khó khăn).

Về xử lý kỷ luật

Một là, Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP thì việc kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có 03 nội dung kiểm tra bao gồm:

(i) Kiểm tra việc áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính

(ii) Kiểm tra việc áp dụng pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính

(iii) Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, tại Chương IV (xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính) không quy định hình thức xử lý đối với các hạn chế, tồn tại, sai sót trong thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bao gồm nhiều nội dung quan trọng như: công tác chỉ đạo, điều hành; công tác phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính,… có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Hai là, Theo quy định tại điều 23 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng mức xử lý kỷ luật với mức thấp nhất là khiển trách, đến cao nhất là buộc thôi việc (từ điều 24 đến điều 29 của Nghị định). Tuy nhiên, Nghị định số 19/2020/NĐ-CP không quy định số lần vi phạm, mức độ vi phạm để làm căn cứ xử lý. Do vậy, đã gây lúng túng cho cơ quan, địa phương khi áp dụng quy định trên.

Kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thi hành công vụ là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động công vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả đấu tranh chống vi phạm hành chính trong bối cảnh tổ chức và số lượng chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính rất lớn, ở nhiều ngành, nhiều cấp, phạm vi xử phạt vi phạm hành chính rất rộng, số lượng vi phạm hành chính lớn, tính chất phức tạp, đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ cao, có tính chuyên nghiệp trong xử phạt vi phạm hành chính.

Để quy định pháp luật được thực hiện thống nhất, các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát, đánh giá tổng thể những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong các quy định của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP và trong tổ chức triển khai thực hiện, qua đó sớm sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể, có tính lượng hóa cao về tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng cũng như có hướng dẫn chi tiết để làm căn cứ áp dụng, xử lý trong thực tiễn./.

 

Văn Hóa
Các tin khác
Xem tin theo ngày