Câu 1. Ông Trần Đăng Luận là người khuyết tật nặng. Ông Luận muốn cùng con đến rạp chiếu phim để xem phim. Là người khuyết tật ông Luận muốn biết ông được miễn, giảm vé không?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, quy định miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch như sau:
1. Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch tại các cơ sở văn hóa, thể thao sau đây:
a) Bảo tàng, di tích văn hóa - lịch sử, thư viện và triển lãm;
b) Nhà hát, rạp chiếu phim;
c) Các cơ sở thể thao khi diễn ra các hoạt động thể dục, thể thao trong nước;
d) Các cơ sở văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch khác.
2. Người khuyết tật nặng được giảm tối thiểu 50% giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch tại các cơ sở văn hóa, thể thao quy định tại Khoản 1 nêu trên.
3. Cơ sở văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch phát hành vé giảm giá cho người khuyết tật. Để được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ, người khuyết tật cần xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, ông Luận là người khuyết tật nặng, khi đến rạp chiếu phim ông được giảm tối thiểu 50% giá vé xem phim. Để được miễn, giảm giá vé, ông Luận cần xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật.
Câu 2. Ông Nguyễn Hải là người khuyết tật, được Hội đồng Giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động từ 70%, thuộc mức độ khuyết tật nặng. Ông Hải muốn biết kết luận của Hội đồng giám định y khoa vậy có đảm bảo theo quy định pháp luật không?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 4 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, quy định xác định mức độ khuyết tật như sau:
1. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ vào quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP và quan sát trực tiếp người khuyết tật thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo tiêu chí về y tế, xã hội và phương pháp khác theo quy định để xác định mức độ khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 dưới đây.
2. Hội đồng giám định y khoa xác định, kết luận về dạng tật và mức độ khuyết tật đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật người khuyết tật.
3. Người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật như sau:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
b) Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
c) Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.
4. Trường hợp văn bản của Hội đồng giám định y khoa trước ngày Nghị định này có hiệu lực kết luận chưa rõ về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật theo quy định tại Khoản 1 nêu trên.
5. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%, kết luận Hội đồng giám định y khoa đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Câu 3. Ông Đặng Văn An là người khuyết tật, ông dự định mở cơ sở sản xuất mây, tre đan. Ông muốn biết ông có được vay vốn với lãi suất ưu đãi của Nhà nước không?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 8 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, quy định khuyến khích người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật, như sau:
1. Người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được hưởng chính sách sau đây:
a) Vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm;
b) Hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
2. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm do người khuyết tật làm ra.
Như vậy, theo quy định nêu trên, ông An là người khuyết tật tự tạo việc làm được hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Câu 4. Do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật của bà Võ Thị Hân. Nên bà Hân lập hồ sơ khám giám định, bà muốn biết hồ sơ khám giám định đối với trường hợp của bà gồm những hồ sơ gì?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012 của Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy đinh chi tiết về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám địnhy khoa thực hiện, quy định hồ sơ khám giám định như sau:
1. Hồ sơ khám giám định đối với trường hợp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật bao gồm:
a) Giấy giới thiệu của Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND xã) nơi đối tượng cư trú đề nghị khám giám định khuyết tật, có dán ảnh của đối tượng và đóng dấu giáp lai của UBND xã nơi đối tượng cư trú.
b) Biên bản họp của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, trong biên bản ghi rõ Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật (bản sao Biên bản).
Trường hợp đối tượng sống ở Trung tâm nuôi dưỡng phải có giấy xác nhận, trong giấy xác nhận ghi rõ họ tên, tuổi, dán ảnh đối tượng, đóng dấu giáp lai của Trung tâm và Trung tâm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác nhận đó.
c) Bản sao các giấy tờ khám bệnh, chữa bệnh, tật: Giấy ra viện, giấy phẫu thuật và các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
d) Biên bản xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng Giám định y khoa lần gần nhất (nếu có).
Như vậy, hồ sơ khám giám định đối với trường hợp của bà Hân được pháp luật quy định như trên. Bà Hân tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.
Câu 5. Ông Lê Mạnh nhận được kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật đối với ông, nhưng ông Mạnh không đồng ý với kết luận của Hội đồng. Nên ông lập hồ sơ khám giám định, ông cần phải nộp những hồ sơ gì?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012 của Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy đinh chi tiết về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám địnhy khoa thực hiện, quy định hồ sơ khám giám định như sau:
2. Trường hợp người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, hồ sơ khám giám định gồm các giấy tờ sau:
a) Giấy giới thiệu của UBND xã nơi đối tượng cư trú đề nghị khám giám định khuyết tật, trong giấy giới thiệu ghi rõ người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, có dán ảnh của đối tượng và đóng dấu giáp lai của UBND xã nơi đối tượng đang cư trú.
b) Biên bản họp của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật (bản sao Biên bản).
c) Các giấy tờ theo quy định: Bản sao các giấy tờ khám bệnh, chữa bệnh, tật: Giấy ra viện, giấy phẫu thuật và các giấy tờ liên quan khác (nếu có); Biên bản xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng Giám định y khoa lần gần nhất (nếu có).
d) Giấy kiến nghị của người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật về kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, trường hợp khám giám định của ông Mạnh cần phải nộp các hồ sơ như trên.
Câu 6. Bà Trần Thị Hoa là người khuyết tật nặng, bà có con gái lấy chồng ở thành phố, cách nhà bà khoảng 25km. Hàng tháng bà thường đi thăm con gái, bà đi bằng phương tiện giao thông công cộng là xe buýt. Bà Hoa muốn biết bà là người khuyết tật có được miễn giá vé xe buýt không?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 12 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, quy định miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ giao thông công cộng như sau:
1. Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng xe buýt.
2. Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông trên các tuyến vận tải nội địa bằng các phương tiện sau đây:
a) Giảm tối thiểu 15% đối với máy bay;
b) Giảm tối thiểu 25% đối với tàu hỏa, tàu điện, tàu thủy, xe ô tô vận tải khách theo tuyến cố định.
3. Đơn vị tham gia vận tải công cộng phát hành vé giảm giá cho người khuyết tật. Để được miễn, giảm giá vé dịch vụ, người khuyết tật cần xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, bà Hoa là người khuyết tật nặng bà được miễn giá vé, khi tham gia giao thông bằng xe buýt. Để được miễn, giảm giá vé dịch vụ, bà Hoa cần xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật.
Câu 7. Ông Vũ Thanh Hải thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ. Để giúp đỡ những người khuyết tật có thu nhập, vươn lên trong cuộc sống, ông đã nhận nhữn người khuyết tật vào làm. Cơ sở của ông hiện nay sử dụng 50% số lao động là người khuyết tật. Ông Hải muốn biết cơ sở của ông được hỗ trợ vay vốn ưu đãi không?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 9 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật như sau:
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật quy định tại Điều 34 Luật Người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi sau đây:
a) Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;
b) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế;
c) Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm;
d) Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật;
đ) Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.
Trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, cơ sở sản xuất, kinh doanh của ông Hải sử dụng 50% tổng số người lao động là người khuyết tật, ông được vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm.
Câu 8. Ông Lê Trung là người khuyết tật, ông không đồng ý với kết luận của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh K, ông muốn khám giám định phúc quyết, ông cần phải nộp những hồ sơ gì?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 6 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012 của Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy đinh chi tiết về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện, quy định hồ sơ khám giám định phúc quyết bao gồm những hồ sơ sau:
1. Giấy giới thiệu của Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND xã) nơi đối tượng cư trú đề nghị khám giám định khuyết tật, có dán ảnh của đối tượng và đóng dấu giáp lai của UBND xã nơi đối tượng cư trú.
2. Đơn đề nghị khám giám định phúc quyết của người khuyết tật hoặc của cá nhân hoặc của cơ quan hoặc tổ chức đại diện hợp pháp của người khuyết tật.
3. Biên bản Giám định y khoa của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh mà người khuyết tật không đồng ý, đề nghị khám phúc quyết (bản sao).
4. Hồ sơ giám định của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh gửi đến Hội đồng Giám định y khoa Trung ương theo quy định.
Khi đến khám giám định, người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật phải xuất trình bản gốc những giấy tờ quy định tại Khoản 2 nêu trên để Hội đồng Giám định y khoa Trung ương đối chiếu.
Như vậy, căn cứ quy định trên, để được khám giám định phúc quyết ông Trung phải nộp các hồ sơ như trên và khi đến khám giám định ông phải xuất trình bản gốc những giấy tờ quy định để Hội đồng Giám định y khoa Trung ương đối chiếu.
Câu 9. Bà Phan Mộng Thảo lập hồ sơ đề nghị khám Giám định, bà đã làm các thủ tục theo quy định, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển hồ sơ đến Hội đồng Giám định y khoa. Bà Thảo muốn biết, Hội đồng Giám định y khoa tổ chức khám giám định trong thời hạn bao nhiêu ngày?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 9 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012 của Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy đinh chi tiết về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện, quy định tiếp nhận hồ sơ khám giám định tại Hội đồng Giám định y khoa, như sau:
1. Sau khi Hội đồng Giám định y khoa nhận được hồ sơ đề nghị khám giám định mức độ khuyết tật đầy đủ do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến, trong thời gian 30 ngày làm việc, Hội đồng Giám định y khoa có trách nhiệm tổ chức khám giám định và kết luận dạng tật và mức độ khyết tật.
2. Đại diện hợp pháp của người khuyết tật khi làm thủ tục khám giám định cho người khuyết tật phải có các giấy tờ sau:
- Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh hợp pháp.
- Giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi người khuyết tật đăng ký hộ khẩu thường trú về quyền đại diện hợp pháp đối với người khuyết tật.
- Trường hợp đại diện hợp pháp của người khuyết tật là cơ quan, tổ chức thì phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức đó theo quy định.
Như vậy, theo quy định nêu trên, trong thời gian 30 ngày làm việc sau khi Hội đồng Giám định y khoa nhận được hồ sơ đề nghị khám giám định mức độ khuyết tật đầy đủ, Hội đồng Giám định y khoa có trách nhiệm tổ chức khám giám định và kết luận dạng tật và mức độ khyết tật.
Câu 10. Ông Phạm Lý không đồng ý với kết luận của Hội đồng Giám định y khoa nên ông làm đơn đề nghị khám giám định phúc quyết, Hội đồng Giám định y khoa có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn bao nhiêu ngày?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 10 Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012 của Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy đinh chi tiết về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện, quy định quy trình khám giám định y khoa, như sau:
1. Quy trình khám giám định: Quy trình khám giám định thực hiện theo quy định hiện hành về khám giám định y khoa.
2. Quy trình khám giám định phúc quyết
a) Cá nhân hoặc cơ quan hoặc tổ chức hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng Giám định y khoa thì làm đơn đề nghị khám giám định phúc quyết gửi đến Hội đồng Giám định y khoa đã ban hành biên bản khám giám định (giải quyết lần 01).
b) Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Hội đồng Giám định y khoa đã ban hành Biên bản giám định có trách nhiệm giải quyết (giải quyết lần 02). Nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức đề nghị vẫn chưa đồng ý với giải quyết của Hội đồng Giám định y khoa, chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Biên bản giải quyết lần 02, phải có kiến nghị bằng văn bản gửi Hội đồng Giám định y khoa.
Sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị, Hội đồng Giám định y khoa bị kiến nghị hoàn chỉnh hồ sơ giám định theo quy định và gửi đến Hội đồng Giám định y khoa cấp trên.
c) Các trường hợp kiến nghị về kết quả giám định của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh thì Hội đồng Giám định y khoa Trung ương, Phân Hội đồng Giám định y khoa Trung ương I hoặc Phân Hội đồng Giám định y khoa Trung ương II khám phúc quyết theo quy định.
d) Trường hợp đã khám giám định phúc quyết tại Hội đồng Giám định y khoa Trung ương, Phân Hội đồng Giám định y khoa Trung ương I hoặc Phân Hội đồng Giám định y khoa Trung ương II nhưng vẫn còn kiến nghị hoặc khiếu nại, tố cáo, Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập Hội đồng Giám định y khoa khám phúc quyết lần cuối và kết luận của Hội đồng này là kết luận cuối cùng.
đ) Sau khi có kết quả khám phúc quyết lần cuối, nếu đối tượng vẫn còn kiến nghị, thì các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị hoặc khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
3. Trong quá trình lập hồ sơ khám giám định, cơ quan, cá nhân lập hồ sơ khám giám định phải kiểm tra, đối chiếu giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ cá nhân hợp pháp khác có ảnh của người đi khám giám định với các giấy tờ trong hồ sơ khám giám định.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, Hội đồng Giám định y khoa ban hành Biên bản giám định có trách nhiệm giải quyết trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
Câu 11. Chị Dương Thị Pha có mẹ là người khuyết tật nặng, do bạo bệnh nên mẹ của chị Pha qua đời. Chị Pha muốn biết mẹ chị có thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí mai táng không, nếu có thì được hỗ trợ bao nhiêu?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 11 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, quy định hỗ trợ chi phí mai táng như sau:
1. Những đối tượng sau đây khi chết được hỗ trợ chi phí mai táng:
a) Đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; trong đó có đối tượng “Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật” (khoản 6 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP).
b) Con của người đơn thân nghèo đang nuôi con quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định này;
c) Người từ đủ 80 tuổi đang hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác.
2. Mức hỗ trợ chi phí mai táng đối với đối tượng quy định tại khoản 1 nêu trên tối thiểu bằng 20 lần mức chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 là 360.000 đồng/tháng). Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 1 nêu trên được hỗ trợ chi phí mai táng quy định tại nhiều văn bản khác nhau với các mức khác nhau thì chỉ được hưởng một mức cao nhất.
3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí mai táng bao gồm:
a) Tờ khai đề nghị hỗ trợ chi phí mai táng của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình hoặc cá nhân đứng ra tổ chức mai táng cho đối tượng theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao giấy chứng tử của đối tượng;
b) Bản sao quyết định hoặc danh sách thôi hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp khác của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
4. Thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng:
a) Cá nhân, cơ quan, đơn vị tổ chức mai táng cho đối tượng làm hồ sơ theo quy định tại khoản 3 nêu trên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ của đối tượng gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;
c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ chi phí mai táng.
Như vậy, theo quy định nêu trên, mẹ của chị Pha là người khuyết tật nặng nên thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí mai táng, mức hỗ trợ chi phí mai táng bằng 20 lần mức chuẩn (Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 là 360.000 đồng/tháng).
Câu 12. Chị Cao Thị Na là người khuyết tật đặc biệt nặng, đang sống tại cơ sở trợ giúp xã hội. Hiện nay có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng chị Na. Vậy người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng chị phải đảm bảo điều kiện, trách nhiệm như thế nào?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 23 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, quy định như sau:
1. Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi đủ điều kiện sống tại cơ sở trợ giúp xã hội phải bảo đảm điều kiện và trách nhiệm sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
b) Có sức khoẻ, kinh nghiệm và kỹ năng chăm sóc người khuyết tật, người cao tuổi;
c) Có nơi ở ổn định và nơi ở cho người khuyết tật, người cao tuổi;
d) Có điều kiện kinh tế;
đ) Đang sống cùng chồng hoặc vợ thì chồng hoặc vợ phải bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a và b nêu trên.
2. Trường hợp không được tiếp tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, người khuyết tật:
a) Có hành vi đối xử tệ bạc đối với người cao tuổi, người khuyết tật;
b) Lợi dụng việc nhận việc chăm sóc, nuôi dưỡng để trục lợi;
c) Có tình trạng kinh tế hoặc lý do khác dẫn đến không còn bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, người khuyết tật;
d) Vi phạm nghiêm trọng quyền của người được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng chị Na phải đảm bảo điều kiện và trách nhiệm như trên.
Câu 13. Chị Nguyễn Thị Dần có người thân bị khuyết tật đặc biệt nặng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội. Chị Dần muốn biết mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho như thế nào?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 25 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, quy định chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội như sau:
Đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 24 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP khi sống tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định sau đây:
1. Mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:
a) Hệ số 5,0 đối với trẻ em dưới 04 tuổi;
b) Hệ số 4,0 đối với các đối tượng từ đủ 4 tuổi trở lên.
2. Cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế.
3. Hỗ trợ chi phí mai táng khi chết với mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
4. Cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường, vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sách, vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định.
5. Trường hợp đối tượng đã được hưởng chế độ trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng quy định tại khoản 1 nêu trên thì không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng quy định tại Điều 6 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, người thân của chị Dần là người khuyết tật đặc biệt nặng đang chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, được hưởng các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng như trên.
Câu 14. Ông Võ Thành Sang cùng với những người bạn dự định thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập. Ông Sang muốn biết để thành lập thì cơ sở trợ giúp xã hội cần ông phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất như thế nào?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 24 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, quy định cơ sở vật chất, như sau:
Cơ sở phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất sau:
1. Diện tích đất tự nhiên: Bình quân 30 m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 10 m2/đối tượng ở khu vực thành thị. Đối với cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, diện tích đất tự nhiên phải đảm bảo tối thiểu 80 m2/đối tượng ở khu vực thành thị, 100 m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 120 m2/đối tượng ở khu vực miền núi.
2. Diện tích phòng ở của đối tượng bình quân tối thiểu 6 m2/đối tượng. Đối với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở bình quân tối thiểu 8 m2/đối tượng. Phòng ở phải được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của đối tượng.
3. Cơ sở phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước, điện, đường đi nội bộ; khu sản xuất và lao động trị liệu (nếu có điều kiện).
4. Các công trình, các trang thiết bị phải bảo đảm cho người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em tiếp cận và sử dụng thuận tiện.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên để thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, về cơ sở vật chất, ông Sang phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu như trên.
Câu 15. Bà Trương Thị Dung thành lập cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, bà đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động. Trong thời hạn bao nhiêu ngày bà phải công bố hoạt động của cơ sở liên tiếp trên 03 số báo?
Trả lời: (mang tính chất tham khảo)
Điều 31 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, quy định công bố hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, như sau:
1. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động, cơ sở phải công bố việc hoạt động của cơ sở liên tiếp trên 03 số báo nơi cơ sở đặt trụ sở về các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên cơ sở bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài (nếu có);
b) Địa chỉ trụ sở, điện thoại, email hoặc website (nếu có);
c) Đối tượng phục vụ của cơ sở;
d) Loại hình cơ sở;
đ) Các nhiệm vụ của cơ sở;
e) Địa bàn hoạt động;
g) Số tài khoản, tên, địa chỉ ngân hàng nơi cơ sở mở tài khoản;
h) Họ tên, số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật;
i) Số, ký hiệu, ngày, tháng, năm và cơ quan quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký thành lập.
2. Trường hợp thay đổi quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký thành lập hoặc giấy phép hoạt động, cơ sở phải công bố nội dung những thay đổi đó trong thời hạn và theo phương thức quy định tại khoản 1 nêu trên.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động, bà Dung phải công bố việc hoạt động của cơ sở liên tiếp trên 03 số báo nơi cơ sở đặt trụ sở về các nội dung chủ yếu như trên.