Đến nay, đã có 38 hộ nông dân phường Thủy Xuân tham gia vào dự án sau khi nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ những hộ tham gia trước đó. Bà Emiko, Giám đốc Tổ chức Cầu Châu Á (BAJ) cho biết: “Tổ chức chúng tôi hỗ trợ kinh phí ban đầu cũng như cử chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật để các hộ có điều kiện xây dựng các hầm biogas, qua đó giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình chăn nuôi, giúp các hộ dân tiết kiệm được một khoản chi phí khi sử dụng khí gas để đun nấu, chiếu sáng...”
|
Khí Biogas làm từ rác thải ô nhiễm được dùng làm năng lượng chiếu sáng tại đường Hoài Thanh (phường Thuỷ Xuân)
|
Đó chưa phải là điều “ấn tượng” nhất của dự án, quan trọng là dự án đã đưa ra một mô hình liên kết sản xuất, có tên gọi là nhóm BIO để hỗ trợ nông dân. “Khi tham gia vào nhóm này, chúng tôi đã dần thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp: thay vì mạnh ai nấy làm, các thành viên trong nhóm đoàn kết tương trợ, thường xuyên trao đổi về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, cung cấp heo giống, giúp nhau tìm thức ăn cho lợn, nuôi tạo lợn nái, bán nông sản trong vườn”. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng nhóm sản xuất Bio phường Thủy Xuân hồ hởi.
Ông Đồng Sĩ Toàn, Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân cho biết, bản thân ông cũng rất “kết” dự án này, nhất là trong khuôn khổ dự án, một cửa hàng nông dân đã được mở ra tại đường Hoài Thanh để hỗ trợ người nông dân bán sản phẩm của mình kết hợp với tham quan du lịch. Theo ông Toàn, đây là một mô hình mới với nông dân ở ta nhưng khá thịnh hành ở Nhật Bản, Nông dân ở Thủy Xuân thậm chí còn được mời qua Nhật để tham quan mô hình này. Có thể thấy được tính ưu việt của cửa hàng nông dân trong giai đoạn yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao như hiện nay, bởi các sản phẩm bày bán tại cửa hàng này rất đa dạng, tất cả đều được gắn tên của những người nông dân sản xuất cụ thể. Đây là yếu tố bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, tạo nên sự tin tưởng cho khách hàng khi chọn mua sản phẩm ở đây.
Vẫn còn những trăn trở
Tuy khá hiệu quả, song điều quan tâm nhất khi triển khai rộng rãi trong giai đoạn tiếp theo ở các phường còn lại là hiệu quả và tính bền vững của dự án này. Ngoài số hộ được hưởng lợi của dự án chỉ vào khoảng 75 người (trong giai đoạn từ 2014 – 2019) là quá khiêm tốn so với nhu cầu, thì hiệu quả bán hàng từ cửa hàng nông dân cũng chưa đạt được kết quả như mong đợi, vẫn còn rất ít người biết đến cửa hàng này mặc dù nó đã được mở ra gần một năm. Ông Nguyễn Thắng Đoan, Chủ tịch UBND phường Hương Long lại cho rằng, điều lo lắng nhất của ông chính là tư duy và thói quen “ưa khỏe, ưa nhanh” của người nông dân. Khi thấy sản phẩm của mình được chuộng, ai dám chắc nông dân không vì điều này để tuồn những sản phẩm bên ngoài vào để bán. Theo ông Đoan, để bảo đảm uy tín, tính bền vững thì phải thực sự chặt chẽ trong quản lý đầu ra, làm tốt công tác truyền thông để nông dân thấy được quyền lợi và nghĩa vụ cho họ khi tham gia dự án. Ở một phương diện khác, đại diện của phường Thủy Biểu lại lo ngại về quy mô của hầm Biogas nếu nông dân mở rộng sản xuất, bởi thực tế với một hầm biogas 9m3 như trong dự án chỉ đáp ứng được cho các hộ nuôi từ 10–12 con lợn. Nguồn kinh phí để mở rộng đối tượng tham gia dự án cũng gặp khó khăn.
Ông Phan Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác Quốc tế TP Huế, hiện là quản lý một quỹ tín dụng nhỏ hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ ở Huế hứa sẽ cân nhắc tạo điều kiện phối hợp với BAJ để có thêm kinh phí hỗ trợ nông dân. Còn ông Ngô Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP khẳng định, đây là một dự án tuy nhỏ nhưng lại nhận được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, bản thân ông cũng khá tâm đắc, bởi ý nghĩa mà nó đem lại cho người nông dân, đặc biệt là dự án lại phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển lâu dài của đô thị Huế đó là phải bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững.