Cùng nỗ lực thoát nghèo
Không chỉ làm 3 sào ruộng, anh Nguyễn Văn Hải ở xã Lộc Bổn còn nuôi heo, gà và tìm thêm công việc để tăng thu nhập. Cuộc sống trước đây vốn dĩ khó khăn, nhưng từ những nguồn hỗ trợ của địa phương, bà con dòng họ giúp đỡ, gia đình anh Hải tự tin hơn để thoát nghèo. Anh bảo: “Cuộc sống bây giờ không phải dư giả, nhưng đủ sống, bớt chật vật hơn trước”.
Xã Lộc Bổn là một trong những địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững (GNBV). Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 0,89%. Đảng ủy Lộc Bổn chỉ đạo chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các đoàn thể triển khai hiệu quả các mô hình GNBV như: Mô hình 15+1, quỹ con heo đất, quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất… Các dòng họ Võ Đại, Nguyễn Văn, Nguyễn Đức, Bạch Văn… ngoài quan tâm phát triển giáo dục còn giúp đỡ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong dòng họ.
Cùng với Lộc Bổn, nhiều địa phương khác của huyện Phú Lộc đang nhân rộng các mô hình giúp nhau thoát nghèo. Năm 2022, phong trào “Dòng họ, thôn, làng không có hộ nghèo” bắt đầu triển khai ở xã Vinh Mỹ, rồi dần dần nhân rộng ra các xã, thị trấn khác.
Đi cùng phong trào ý nghĩa trên là công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên và người dân trong thực hiện công tác GNBV, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Tại nhiều xã, thị trấn của huyện Phú Lộc, nhất là xã Vinh Hưng, Lộc Tiến, thị trấn Lăng Cô, chúng tôi ấn tượng với một số hộ nghèo chủ động xin thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Mai ở xã Vinh Hưng chia sẻ: “Cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, gia đình phải cố gắng để thoát nghèo. Nghĩ như thế, mình mới có động lực để vươn lên, thế hệ con cái sau này bớt khổ”.
Theo ông Hồ Trọng Cầu, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phú Lộc, Ban chỉ đạo GNBV huyện chú trọng tổ chức phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản, tổ dân phố không có hộ nghèo”. Có nhiều cách làm khác nhau, nhưng các địa phương đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức về công tác GNBV cho các tầng lớp nhân dân, huy động sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, các dòng họ, dòng tộc, làng, bản, đặc biệt là vai trò của trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong công tác GNBV trên địa bàn toàn huyện.
Đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,5%
Đến đầu năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn là 5,64%; trong đó tổng số hộ nghèo 1.139 hộ, đạt tỷ lệ 2,74%; tổng số hộ cận nghèo 1.204 hộ, đạt tỷ lệ 2,90%. Phú Lộc phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1,5%.
Thực tế, huyện Phú Lộc cũng đang còn những rào cản trong công tác GNBV. Tổng số hộ nghèo không có khả năng lao động trên địa bàn huyện 748 hộ/1.139 hộ. Đây là những trường hợp già yếu hoặc bệnh tật, mất khả năng lao động. Trong số đó có 621 hộ nghèo hưởng chính sách Bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ và 127 hộ nghèo không hưởng bảo trợ xã hội.
Những khó khăn dần dần được tháo gỡ khi huyện Phú Lộc đang làm nhiều cách huy động sức mạnh và nguồn lực vật chất cũng như tinh thần để giúp người dân thoát nghèo, thông qua các mô hình từ dòng họ, thôn, làng… vừa hỗ trợ vật chất, vừa động viên tinh thần.
Huyện Phú Lộc đã xây dựng cụ thể kế hoạch hỗ trợ phương án thoát nghèo của từng năm. Bên cạnh những cách hỗ trợ như lâu nay, huyện tiếp tục tập trung đổi mới phương thức hỗ trợ giảm nghèo theo hướng hiệu quả, lâu dài, bền vững; chú trọng hỗ trợ các mô hình sinh kế phù hợp với trình độ sản xuất của người dân.
Theo đại diện UBND huyện Phú Lộc, trước mắt, trong năm 2023, địa phương sẽ tập trung hoàn thành giảm 270 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,09%, đảm bảo hoàn thành trước Kế hoạch của Tỉnh ủy 2 năm và trước kế hoạch của Huyện ủy 1 năm.