Kế hoạch số 222/KH-UBND đã đề ra các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể để trên cơ sở đó, các ngành, các cấp có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm; đồng hành với doanh nghiệp, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; đảm bảo 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý khi có đề xuất; kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý cho doanh nghiệp khi có yêu cầu. Kế hoạch cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021-2030 như sau:
1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- Hoàn thiện khung pháp lý về tăng cường hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Tham gia góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
- Rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp
2. Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật
- Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- Đổi mới cách thức tiếp cận và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
3. Triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- Đẩy mạnh tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp
- Tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan đến doanh nghiệp
- Tăng cường xã hội hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- Đánh giá, kiểm tra, khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
Để triển khai thực hiện tốt nội dung Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chung về tổ chức thực hiện Kế hoạch; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương lồng ghép, gắn các hoạt động triển khai thực hiện Kế hoạch với các chương trình, đề án khác có phạm vi, đối tượng tương đồng nhau, đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đảm bảo thống nhất, tiết kiệm, hiệu quả.