1. Chế độ tài sản của vợ chồng, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
Chế độ tài sản của vợ chồng được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, Luật Hôn và gia đình năm 2014 chưa giải thích thế nào là “chế độ tài sản vợ chồng”. Qua các quy định tại Luật về nội dung này, có thể hiểu, chế độ tài sản vợ chồng là những quy định pháp luật về tài sản của vợ chồng, gồm căn cứ xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng, chia tài sản giữa vợ và chồng.
Một trong những nội dung đặc biệt, lần đầu được ghi nhận tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là cho phép vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản vợ chồng với hai loại, đó là: chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.
Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định là căn cứ xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp vợ chồng áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì việc xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản được thực hiện theo thỏa thuận.
Theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng, trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
2. Điều kiện chủ thể xác lập Văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng
Văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng phải bảo đảm quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Trong đó, chủ thể xác lập văn bản thỏa thuận này là hai người có dự tính kết hôn. Mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình không quy định điều kiện đối với người xác lập văn bản thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng nhưng xét mục đích của văn bản thỏa thuận là hướng đến xác lập chế độ tài sản của vợ chồng sau khi kết hôn, do đó, người dự định kết hôn về cơ bản phải đảm bảo các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, đó là: (1) hai bên tham gia giao kết phải là nam và nữ; (2) các bên tự nguyện quyết định; (3) không bị mất năng lực hành vi dân sự; (4) không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn (kết hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng).
Vấn đề thứ nhất: Theo quy định, không cho phép người bị mất năng lực hành vi dân sự kết hôn. Vậy trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì có được xác lập văn bản thỏa thuận chế dộ tài sản của vợ chồng không? Vấn đề này tác giả phân tích quan điểm như sau:
Theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được Tòa án chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Khoản 2 Điều 136 về đại diện theo pháp luật của cá nhân thì người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định. Như vậy, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi tự mình trực tiếp thực hiện hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật – là người giám hộ, nếu Quyết định của Tòa án có quy định về quyền và nghĩa vụ của người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện. Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người này phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
Theo quy định trên, trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý (người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự) hoặc có thể thông qua người đại diện theo pháp luật là người giám hộ (người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi).
Vấn đề thứ hai: Như đã nêu, về cơ bản, chủ thể xác lập văn bản thỏa thuận phải bảo đảm các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, văn bản thoả thuận được xác lập trước thời điểm kết hôn, nghĩa là chủ thể có thể rơi vào trường hợp chưa đủ tuổi kết hôn, nếu là người nữ thì có thể là chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (do chưa đủ 18 tuổi). Đối với trường hợp chưa đủ 18 tuổi (từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi) thì tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý (khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015). Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng có liên quan đến các tài sản lớn của vợ chồng, do đó không thể thiếu bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu. Như vậy, nếu người chưa đủ 18 tuổi xác lập văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Với những nội dung nêu trên, pháp luật cần quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện của người được xác lập Văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng nhằm áp dụng pháp luật thống nhất./.