Vào dịp Tết Nguyên đán, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) thường có diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao mà nguyên nhân chính do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu, bia. Nhiều trường hợp uống rượu, bia điều khiển phương tiện không làm chủ được tốc độ dẫn đến nhiều vụ TNGT thương tâm. Trước thực trạng trên, lực lượng CSGT trong toàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý vi phạm nhằm hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia.
7h30 tối tại tuyến đường Phạm Văn Đồng (TP. Huế), lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành lập chốt kiểm tra xử phạt vi phạm về nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ. Các phương tiện ô tô, xe máy liên tục được yêu cầu dừng lại kiểm tra; để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, các ống thổi nồng độ cồn chỉ được sử dụng một lần. Sau gần 2h đồng hồ, phóng viên chúng tôi chỉ ghi nhận được 2 trường hợp vi phạm, điều này cho thấy ý thức của người dân “đã uống rượu bia, không lái xe” nâng lên rõ rệt.
“Tối nay vì đi ăn kị nên tôi có uống chút bia, nhưng mà qua lần xử phạt này thì thật sự tôi không dám nữa. Tôi cũng hoàn toàn đồng tình ủng hộ về xử phạt về nồng độ cồn theo nghị định mới này, có tính răn đe cao và giúp người dân có ý thức hơn rất nhiều”- Ông Trần Công Phước (người vi phạm) chia sẻ.
Nghị định 100 của Chính phủ về “Quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” có hiệu lực từ ngày 1/1/2020; nghị định tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Theo đó tăng mức phạt tối đa với người đi ô tô có nồng độ cồn lên đến 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Nghị định còn đề ra quy định mới về xử phạt đối với người điều khiển xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0.25mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tước giấy phép lái xe từ 10-12 tháng và phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Nghị định bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp xe thô sơ; người điều khiển xe thô sơ vi phạm nồng độ cồn có thể bị phạt từ 400-600.000đ. Ngay khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, lực lượng CSGT tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quân triển khai thực hiện,
Sau 1 năm triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Cảnh sát giao thông, khung hình phạt nghiêm khắc của Nghị định đã phát huy hiệu quả tích cực; tình hình tai nạn giao thông tại Thừa Thiên Huế giảm, ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người dân nâng lên rõ rệt. Lực lượng CSGT toàn tỉnh cũng đã phát hiện, xử phạt 2.851 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; trong đó có 47 ô tô, 2.732 mô tô với số tiền xử phạt hơn 8 tỷ đồng. Cũng theo số liệu thống kê, năm qua, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông, giảm sâu hơn 20% so với năm 2019 trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương.
Mặc dù ý thức “đã uống rượu bia, không lái xe” của người dân tăng lên, tuy nhiên vào thời điểm cuối năm, gần Tết Nguyên đán, các buổi liên hoan, tụ họp, tình trạng sử dụng rượu, bia và vẫn tham gia giao thông đang có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại. Để giảm bớt tình trạng này, nhất là kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ về tai nạn giao thông, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã quyết liệt triển khai các biện pháp về kiểm tra, xử lý và xử phạt nặng bảo đảm tính răn đe.
Từ ngày 14/12/2020, lực lượng CSGT Công an Thừa Thiên Huế đã mở đợt cao điểm ra quân, tăng cường tuần tra kiểm soát, tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an toàn giao thông, phòng ngừa và làm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trên các tuyến; bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các hoạt động vui chơi, lễ hội của Nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
“Nhằm tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn, đặc biệt vào thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT sẽ tăng cường thành lập các tổ công tác, huy động phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến, địa bàn phức tạp về TTATGT, tập trung thời gian từ 18 giờ đến 5h sáng hôm sau, nhất là các ngày thứ 7, Chủ nhật, dịp nghỉ Tết và những ngày diễn ra các lễ hội… Tăng cường phương thức tuần tra cơ động, chú trọng kiểm tra đối tượng lái xe khách, xe mô tô là thanh, thiếu niên; đẩy mạnh công tác nắm tình hình, địa điểm, thời gian người điều khiển phương tiện thường sử dụng rượu, bia, thanh thiếu niên tụ tập ăn, uống đêm khuya… kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm”- Thượng tá Hồ Quốc Văn, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết.