Ở tuổi 81, cụ Đoàn Thị Rớt (tổ 18, khu vực 5, phường Thủy Xuân, T.P Huế) phải bòn từng cọng rau nuôi chồng và hai con tâm tính không bình thường. Cái cực ấy càng nặng trĩu khi hơn tuần nay, chồng cụ không may té ngã, chấn thương nặng nằm liệt giường.
Nước mắt chan cơm
Đến nhà cụ Rớt, chúng tôi phải nhờ người chỉ đường vì nhà cụ ở sâu trong mấy lần hẻm. Đến nơi mới hay chồng cụ, ông Nguyễn Như Ân (80 tuổi) không may té ngã, bị tai biến, đang cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Con trai cụ năm nay 37 tuổi nhưng ngây ngô như một đứa trẻ. Nhớ trước, quên sau nên buổi sáng hôm ấy, anh phải đi bộ 5 lần từ nhà xuống bệnh viện Trung ương Huế để bổ sung giấy tờ cho cha. Khoảng cách từ nhà đến bệnh viện gần chục cây số nhưng không có tiền đi xe ôm. Cụ Rớt cho hay, khi chồng nhập viện, trong túi chỉ còn 100.000 đồng nên cụ phải chạy vạy mượn hàng xóm gần 2 triệu đồng để kịp cấp cứu cho cụ ông.
Với vẻ mặt buồn thiu, cụ Rớt kể, thời của cụ, chuyện gả vợ, lấy chồng đều do cha mẹ sắp đặt. Lấy nhau rồi mới biết chồng bà tâm tính, trí óc không bình thường. Rồi bà lần lượt sinh được hai người con, cũng không được nhanh nhẹn, minh mẫn. Bây giờ, cô chị đã 57 tuổi và người em đã 37 tuổi nhưng cả hai đều không thể tự lập, chỉ quanh quẩn ở nhà.
Kể về nỗi cực nhọc mấy mươi năm một mình lăn lóc trên ba sào rẫy để nuôi chồng và hai con, cụ Rớt không cầm được nước mắt. Nỗi buồn lớn nhất của cụ là khi hai con học mãi mà không lên lớp được, đành phải nghỉ sớm. Cô chị thi thoảng còn giúp cụ gánh mớ rau ra chợ nhưng người con trai thì hầu như không làm được việc gì.
Bây giờ, ở tuổi gần đất xa trời nhưng cụ Rớt vẫn phải tất bật dậy từ lúc 4h sáng, ra rẫy bòn rau, lồng quang gánh cho con gái ra chợ bán. Rồi cụ lại tất tả xuống chùa Tường Vân (T.P Huế) giúp việc vặt. Khi đi, cụ mang theo đôi thùng gánh nước, chiều về thì quảy thức ăn thừa ở chùa để nuôi lợn, lấy phân làm rẫy. Cụ cho hay, ngoài một ít gạo, cơm hàng ngày nhà chùa hỗ trợ, gánh rau ra chợ chỉ bán được 10.000-20.000 đồng nhưng vì chị Lý, con gái cụ lẩn thẩn nên nhiều khi bán xong, lại đánh rơi mất tiền. Khổ nến nỗi, cụ Rớt bảo, nhiều khi nước mắt chan lẫn vào cơm.
Sợ ngày lá rụng
Khi chúng tôi viết những dòng chữ này về cụ Rớt, cũng là lúc chồng cụ, sau mấy ngày nằm viện đã được đưa về nhà. Cụ Ân nằm im một chỗ trên giường, không cử động được, đã cấm khẩu từ khi ngã. Cụ Rớt và con trai chật vật cho ông ăn qua ống xông ở mũi. Không có tiền, giờ thêm thuốc thang cho chồng nên cụ Rớt càng tất bật. Giữa cái nắng đầu hạ chang chang, cụ tranh thủ gánh đôi nước, tưới cho mấy luống rau rẫy bắt đầu khô héo, cố bòn thêm vài ngàn đồng mua gạo.
Bà Nguyễn Thị Như Hồng-Hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ tổ 17-18, Khu vực 5, Phường Thủy Xuân cho hay, hoàn cảnh gia đình cụ Rớt rất khó khăn nên khi có nguồn hỗ trợ, đều ưu tiên cho cụ đầu tiên. Nhưng cũng chỉ giúp được thường xuyên cho gia đình 5kg gạo mỗi tháng và một ít vào dịp lễ, tết. Để giúp cụ Ân lúc hiểm nghèo hiện nay, Chi hội mới vận động quyên góp được hơn 2 triệu đồng.
Tài sản quí nhất của cụ Rớt lúc này chỉ còn một rổ ném giống và một túi nilon đựng bồ kết. Những trái bồ kết cụ Rớt đi khắp các đường làng nhặt về, phơi khô, gom lại để đem bán, kiếm dăm đồng mua gạo.
Cụ Rớt vén vạt áo, lau vội hai hàng nước mắt. Suốt một đời tần tảo nuôi con, nuôi chồng, cái nghèo, cái khổ cứ bám riết lấy cụ. Nhưng điều người mẹ nghèo ấy lo sợ không phải là nỗi vất vả, không phải là nỗi buồn khi không có người chia sẻ những âu lo. Ở tuổi 80, cụ Rớt phải vật vã từng ngày lo cho 4 miệng ăn. Và điều cụ sợ nhất là cái ngày cụ sẽ lá rụng về trời, hai con cụ sẽ nương tựa vào đâu? Nỗi lo sợ mà vì nó, ở tuổi 80, cụ chưa bao giờ cho phép mình có được một ngày thảnh thơi, ngơi nghỉ.
Theo Kim Oanh (Báo Thừa Thiên Huế)