Thưa Bộ trưởng, chúng tôi tiếp tục nhận được rất nhiều thư hỏi về hướng giải quyết đối với các trường hợp thương binh, liệt sỹ, người có công bị mất hồ sơ gốc. Mỗi trường hợp có các thắc mắc cụ thể, không thể kể ra trong phạm vi chương trình. Nên chúng tôi xin hỏi là tình hình xử lý chế độ cho những người có công bị mất hồ sơ gốc đã có tiến triển như thế nào sau khi Bộ LĐTBXH có Thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Ngày 22/10/2013, Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 28 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013. Các địa phương đã và đang triển khai thực hiện Thông tư. Tuy nhiên việc giải quyết chế độ đối với người có công không còn giấy tờ là vấn đề hết sức phức tạp, dễ dẫn đến tiêu cực và lập hồ sơ giả để hưởng chế độ, để hạn chế sai sót, việc xem xét xác nhận cần hết sức thận trọng. đặc biệt là khâu xác lập hồ sơ.
Theo báo cáo của 26/63 tỉnh về tình hình triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 28, đến nay các địa phương đã tiếp nhận và đang làm thủ tục xét duyệt với tổng số 112 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, 396 hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh.
Một bức thư của một khán giả nhỏ tuổi nhất mà chúng tôi nhận được. Cháu hiện đang học lớp 3 viết thư thay ông đã trên 60 tuổi. Trong thư cháu viết “Ông cháu có đi bộ đội, có đầy đủ giấy tờ của các ngành, các cấp cấp cho. Ông cháu có đầy đủ giấy tờ vậy mà đến bây giờ vẫn chưa được hưởng chế độ nào cả. Vậy theo bác Bộ trưởng, khi nào ông cháu mới được hưởng chế độ người có công?” (Hồ sơ gửi kèm gồm: Giấy chứng nhận có thời gian công tác XYZ từ 2/2/1972 đến 30/4/1975, Kỷ niệm chương mặt trận B5-DD9, Huân chương chiến sỹ giải phóng Hạng Ba).
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trường hợp như của ông cháu có căn cứ xác định đã hoạt động cách mạng ở chiến trường B, C, K (như Giấy chứng nhận có thời gian công tác XYZ từ 2/2/1972 đến 30/4/1975, Kỷ niệm chương mặt trận B5-DD9, Huân chương chiến sỹ giải phóng Hạng Ba), nếu mắc bệnh theo danh mục bệnh tật qui định tại Thông tư liên tịch số 41 ngày 18/11/2013 của Liên Bộ Y tế - Bộ LĐTBXH thì được xem xét, giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Nếu ông cháu hiện chưa được hưởng chế độ, chính sách gì thì với các giấy tờ nêu trên sẽ được xem xét, giải quyết chế độ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước hoặc Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương. Việc xác nhận, giải quyết chế độ theo các quyết định nêu trên thuộc thẩm quyền của cơ quan quân đội, ông của cháu cần liên hệ với cơ quan quân sự địa phương để được hướng dẫn cụ thể.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đọc những bức thư khán giả gửi đến chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời"
Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều thư tố cáo về các trưởng hợp làm giả hồ sơ để được hưởng chế độ cho người có công, phổ biến nhất là hưởng chế độ cho người nhiễm chất độc da cam. Người dân viết “Vì những người này mà hàng năm Nhà nước thiệt hại hàng trăm triệu đồng, trong khi nhiều quân nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam thực sự trên khắp cả nước lại chưa được hưởng những chế độ mà đáng lẽ họ được hưởng. Vậy kính mong Bộ trưởng rà soát, giám sát việc triển khai để các chính sách nhân văn của Nhà nước không bị lợi dụng, khiến người dân tin tưởng, ủng hộ”.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao, thời gian qua, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã tăng cường phối hợp với các cơ quan quân đội, y tế và các ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đã phát hiện nhiều trường hợp lập hồ sơ giả để hưởng chế độ ưu đãi. Tính từ năm 2008 đến 2013, qua thanh, kiểm tra đã phát hiện và đình chỉ trợ cấp của 7.085 đối tượng do không đủ điều kiện hưởng, trong đó riêng thương binh là 4.016 người, thu hồi 75.660 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đối với các vi phạm có tính chất nghiêm trọng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo kiên quyết chuyển hồ sơ vụ việc tới cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. Điển hình là vụ việc hơn 2000 hồ sơ thương binh nghi giả mạo đã chuyển Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 1; chuyển cơ quan điều tra khởi tố các vụ án tại Quảng Bình, Quảng Trị do liên quan đến việc mua bán hồ sơ, bệnh án.
Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra LĐTBXH tại một số địa phương như: Hà Nội, Đăk Lăk, Đăk Nông, Tuyên Quang, Yên Bái…cũng đã phát hiện và chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng đến cơ quan điều tra để khởi tố vụ án.
Hiện nay, ở các địa phương đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015, tập trung vào 7 đối tượng, trong đó có đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá toàn diện quá trình thực hiện chính sách để kịp thời phát hiện, đề xuất và xử lý những sai phạm, đồng thời tham mưu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, chế độ phù hợp.
Một bức thư bức xúc khác được gửi từ một nhóm người dân ở Thôn Phúc Trạch, Thống Nhất, Thường Tín Hà Nội. Những người dân này viết: Trong danh sách lĩnh tiền chế độ chất độc da cam của xã có tên ông Doãn Văn Luyện, ở thôn Phúc Trạch là đảng viên đã mất năm 2007, nhưng có hồ sơ làm chế độ chất độc da cam năm 2008. Người dân đặt câu hỏi: Số tiền của chế độ này được giữ lại hay đã phát cho ai? Có hay không việc lợi dụng tên của quân nhân đã mất để rút tiền của Nhà nước?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xin tiếp thu ý kiến phản ảnh của nhân dân về những trường hợp tiêu cực trong thực hiện chính sách và sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, rà soát và xử lý vi phạm. Những trường hợp vi phạm pháp luật để hưởng sai chính sách sẽ bị đình chỉ chế độ, thu hồi trợ cấp về ngân sách Nhà nước và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 66 Nghị định số 31 của Chính phủ.
Bà Trần Thị M 83 tuổi, nguyên quán Đức Phổ, Quảng Ngãi, có chồng và con trai là liệt sỹ nhưng chưa được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì bà tái giá. Xin được hỏi Bộ trưởng liệu những mẹ như bà M có chồng , con hy sinh mà tái giá thì có được phong danh hiệu BMVNAH hay không?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Như trường hợp nêu trên, bà M. đủ điều kiện để được phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5 Điều 2 Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH.
Qua các vụ việc tố cáo tiêu cực ở một số địa phương kể trên, xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân? Hướng giải quyết sắp tới của Bộ?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Cùng với việc đơn giản hóa về thủ tục hành chính trong việc xác nhận thương binh, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách để khai man, gian lận hồ sơ hưởng chế độ. Tình trạng “thương binh giả”, “người có công giả” đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước và đối với người có công.
Việc xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng qua 3 thời kỳ cách mạng là công việc khó khăn, phức tạp do chiến tranh gian khổ, lâu dài; do thời gian quá lâu, nhiều trường hợp bị thương từ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến nay không còn các giấy tờ gốc, người làm chứng để làm căn cứ xác nhận. Bên cạnh đó, có những thương binh không trung thực, người xác nhận thiếu trách nhiệm, nể nang
Trong thời gian qua, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã tăng cường phối hợp với các cơ quan quân đội, y tế tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đã phát hiện nhiều trường hợp lập hồ sơ giả để hưởng chế độ ưu đãi. Tính từ năm 2008 đến 2013, qua thanh kiểm tra đã phát hiện và đình chỉ trợ cấp của 7.085 đối tượng không đủ điều kiện hưởng, trong đó riêng thương binh là 4.016 người, thu hồi 75.660 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước. Đối với các vi phạm có tính chất nghiêm trọng, Bộ đã chỉ đạo kiên quyết chuyển hồ sơ vụ việc tới cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. Điển hình là vụ việc hơn 2000 hồ sơ thương binh nghi giả mạo đã chuyển Cơ quan Điều tra hình sự Quân khu 1;
Tại Bắc Ninh, qua xác minh đơn tố cáo đối với 10 trường hợp thương binh, Thanh tra Bộ cũng đã phát hiện 05 hồ sơ giả và đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến Công an tỉnh Bắc Ninh. Ngày 14/6/2012, cơ quan An ninh điều tra-Công an tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định khởi tố 05 bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh để truy tố trước pháp luật.
Cũng qua công tác thanh, kiểm tra, Thanh tra Bộ LĐTBXH đã chuyển cơ quan điều tra khởi tố các vụ án tại Quảng Bình, Quảng Trị do liên quan đến việc mua bán hồ sơ, bệnh án (trong đó có cả đối tượng thương binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học).
Để khắc phục tình trạng trên cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh những chính sách ưu đãi của Nhà nước; yêu cầu các cơ quan, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm khi xác nhận; tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan tăng cường thanh kiểm tra; đặc biệt phối hợp với Mặt trận TQVN tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 – 2015.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.