Khoảng 20 tấm biển viết lên các vần thơ có nội dung nhắc nhở đổ rác đúng quy định, giữ gìn môi trường hay chuyện tối lửa tắt đèn có nhau được treo lên khắp các ngõ nhỏ vào nhà.
Nhiều năm nay ở tổ dân phố 11 phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã xuất hiện những câu thơ khuyên bảo, nhắc nhở lẫn nhau về vệ sinh môi trường và đoàn kết, xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Những con ngõ dài trở nên sạch sẽ hơn, các tệ nạn xã hội được bài trừ cũng phần nào là nhờ những tấm biển này do người tổ trưởng dân phố Đặng Quang Hùng sáng tác
Có đủ loại thể thơ, tuy nhiên nhiều nhất vẫn là thơ lục bát. Phần lớn là tuyên truyền về việc đổ rác đúng nơi quy định.
Ra vào ngõ phố nhiều khiến cho nhiều người dân nơi đây thuộc lòng hết cả các câu thơ. "Sống trong cùng một tổ/ Lúc tắt lửa tối đèn/ Đoàn kết khuyên bảo nhau/ Hay gì gây xích mích", "Rác bẩn ta để trong nhà/ Xe môi trường đến đem ra đổ vào/ Nhắc ai chớ nghĩ tào lao/ Rác tôi để ngõ có vào nhà ai".
Hình ảnh tại nhà ông Đặng Quang Hùng, tổ trưởng tổ dân phố 11. Ông cho biết, ngay từ khi bắt đầu làm quản lý khu vực mình sinh sống (năm 2009) ông đã bỏ tiền túi ra in những tấm biển này treo khắp khu phố
Ông Hùng không phải là nhà thơ nhưng thích làm thơ. "Tôi vốn là dân quảng cáo, chính vì thế mà nảy ra ý tưởng này. Mỗi năm tôi thay đổi nội dung các câu thơ một lần cho phù hợp với hoàn cảnh. Việc treo các câu thơ này chỉ một phần thôi, quan trọng phải đoàn kết được người dân", vị tổ trưởng dân phố tâm sự.
Vợ ông vốn là giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân, là người thường xuyên chia sẻ với ông. "Nhiều đêm trăn trở, hai vợ chồng tìm cách nghĩ ra thơ, bí quá thì lên chép trên mạng", bà cười nói.
Rất nhiều người dân ủng hộ cách làm này của ông Hùng. Anh Khuyên, một người dân sống ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị cho biết: "Từ khi anh Hùng làm việc này, tôi thấy đường phố sạch sẽ hơn, tệ nạn xã hội được bài trừ"
Chuyên to tiếng, cãi vã ở tổ dân phố đều được ông Hùng xử lý khéo léo. "Trước kia, có một số kẻ nghiện ngập, được ông Hùng cho lời khuyên nhủ nên họ rất quý tổ trưởng", bà Tiến hàng xóm nói.
Những tấm biển được in lên vải bạt, chiều dài chừng 60cm, rộng 30cm do vị tổ trưởng dân phố tự tay thiết kế.