Tổng cục Thống kê cho biết, số mẫu của cuộc điều tra là 5% số hộ dân cư (tương đương 1,12 triệu hộ) của cả nước và phải huy động khoảng 13.000 điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên.
Phạm vi trải rộng
TS.Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết: Kể từ khi lập nước (1945), chúng ta đã 4 lần tiến hành Tổng điều tra Dân số và nhà ở (1979, 1989, 1999 và 2009) theo chu kỳ 10 năm một lần.
Cách đây 5 năm, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 đã thành công tốt đẹp. Nhiều số liệu quan trọng về thực trạng dân số và nhà ở của nước ta đã được tổng hợp, công bố và sử dụng trong hoạch định chính sách ở Trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, sau 5 năm, tình hình KTXH của đất nước đã có nhiều đổi thay, bức tranh dân số và nhà ở cũng có những biến động trên nhiều lĩnh vực, cả chiều rộng lẫn bề sâu. Để có nguồn số liệu quý giá và kịp thời phục vụ việc điều hành của Đảng và Nhà nước, Tổng cục Thống kê đã quyết định tiến hành cuộc điều tra này.
Theo ông Lâm, cuộc điều tra sẽ thu thập số liệu về dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước làm cơ sở để đánh giá các chương trình quốc gia về dân số và nhà ở. Qua đó đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH thời kỳ 2011-2015; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập kế hoạch phát triển KTXH thời kỳ 2016-2020; đồng thời giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Tính chất phức tạp
Theo ông Lâm, đây là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa hai kỳ tổng điều tra dân số (2009 và 2019) với nội dung phức tạp, bao gồm cả lĩnh vực dân số và nhà ở, phạm vi trải rộng hầu hết các xã, phường, thị trấn trong cả nước.
Để có được thông tin phục vụ cho công tác tổng hợp, xử lý số liệu điều tra, ngoài thông tin định danh, nội dung điều tra bao gồm 5 phần chính: Một số thông tin về các thành viên của hộ; Thông tin về lịch sử sinh của phụ nữ từ 15-49 tuổi; Thông tin về người chết của hộ; Thông tin về các sự kiện chết của hộ trong 5 năm qua; Thông tin về nhà ở.
Trong đó, một số thông tin cần thu thập khá nhạy cảm như thông tin về sinh, chết, nhà ở...
Do tính chất phức tạp đó nên công tác chuẩn bị cho điều tra từ thành lập Ban Chỉ đạo điều tra các cấp, xây dựng phương án, phân bổ kinh phí đến thiết kế và phân bổ mẫu, tuyển chọn tổ trưởng, điều tra viên, tập huấn điều tra, chuẩn bị hậu cần… đã được ngành Thống kê chủ động thực hiện từ rất sớm.
Theo phương án điều tra, thời gian điều tra diễn ra trong 20 ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 1/4/2014 và kết thúc chậm nhất vào ngày 20/4/2014. Kết thúc quá trình thu thập thông tin, Tổng cục Thống kê sẽ tổ chức xử lý, tổng hợp, phân tích số liệu và công bố kết quả điều tra, dự kiến vào tháng 12/2014.
Đã sẵn sàng
Trợ lý Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) Trần Thị Vân cho biết: Nhằm kịp thời cung cấp thông tin phục vụ cho việc xây dựng chính sách, trong những thập kỷ gần đây, các nước phát triển như Mỹ, Canada, Nhật… đã tiến hành tổng điều tra dân số 5 năm một lần.
Để giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả cuộc điều tra đầu tiên này, UNFPA đã hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng cục Thống kê xây dựng phương án điều tra, thiết kế mẫu, xây dựng bảng hỏi, điều tra thử, đào tạo cho giảng viên tuyến tỉnh, giám sát, phân tích sâu và công bố kết quả điều tra.
Bên cạnh đó, UNFPA cũng đã khuyến nghị trong việc tuyển chọn và đào tạo điều tra viên; thực hiện công tác giám sát điều tra; xử lý; phân tích và phổ biến kết quả… để Việt Nam thực hiện tốt cuộc điều tra này.
Ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết: Từ kinh nghiệm trong tổ chức thành công các cuộc tổng điều tra có quy mô lớn trong 5 năm gần đây; cộng với sự hỗ trợ tích cực về mặt kỹ thuật của UNFPA và sự nỗ lực của các đơn vị trong Ngành nên cuộc điều tra này đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ năm 2013. Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành để chuẩn bị cho việc điều tra thu thập tại địa bàn.
(Nguồn: Trần Mạnh - Chinhphu.vn)