Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 111.211
Truy câp hiện tại 1.131

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (tuần 05-11/10/2014).
Ngày cập nhật 14/10/2014
 Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (tuần 05-11/10/2014).

 

 
Từ 06/10/2014, cấm dừng, đỗ xe ô tô trên đường Ngô Quyền (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Lê Lai)

Thống nhất chủ trương lắp đặt biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe ô tô trên đường Ngô Quyền và đường Hai Bà Trưng; Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện TTHC; Quy định về đầu mối chủ trì, cơ chế phân công phối hợp và điều kiện bảo đảm cho công tác rà soát, hệ thống hóa VB QPPL; Công khai các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh; Công khai số điện thoại để tiếp nhận và trả lời những vướng mắc liên quan đến giải quyết TTHC về thuế; Các cơ quan, đơn vị hàng năm phải thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng; Phân công thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn các khu kinh tế… là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (tuần 05-11/10/2014).

 

Thống nhất chủ trương lắp đặt biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe ô tô trên đường Ngô Quyền và đường Hai Bà Trưng

Ngày 06/10/2014, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 5613/UBND-GT thống nhất chủ trương cho phép lắp đặt biển cấm dừng, đỗ ô tô trên đường Hai Bà Trưng (đoạn từ đường Trần Cao Vân đến đường Ngô Quyền) và trên đường Ngô Quyền (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Lê Lai).

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND thành phố Huế tổ chức cắm biển, hoàn thành trong tháng 10 năm 2014; đồng thời thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức, người dân biết, chấp hành trước khi đưa vào áp dụng, xử phạt theo quy định.

Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Huế chỉ đạo lực lượng chức năng (Công an thành phố, Đội Quản lý đô thị và UBND phường Vĩnh Ninh…) khẩn trương kiểm tra, xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhằm lập lại trật tự đô thị, đảm bảo điều kiện lưu thông, an toàn giao thông trên tuyến và khu vực.

 

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

Để chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính, ngày 07/10/2014, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Trường Lưu ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-UBND yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và các huyện; các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện và chỉ đạo các UBND cấp xã, các phòng, đơn vị chuyên môn nghiêm túc thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định tại Điều 6 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về quyền của tổ chức, cá nhân khi trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính thì các giấy tờ trong thành phần hồ sơ có thể là bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.

- Chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 6 Nghị định số 79 của Chính phủ trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính. Theo đó, khi tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính nộp bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu; trường hợp nộp bản sao không có chứng thực và xuất trình kèm bản chính thì công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tự kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính mà không yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp bản sao có chứng thực.

- Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành hoặc những văn bản do cơ quan, tổ chức trực thuộc ban hành dưới hình thức quyết định, thông báo, công văn và các hình thức văn bản khác, phát hiện những quy định về thủ tục hành chính trái với quy định tại Điều 6 Nghị định số 79 của Chính phủ; tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thay thế theo thẩm quyền cho phù hợp; hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2015.

- Tăng cường kiểm tra cách thức tổ chức thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại các đơn vị trực thuộc, chấn chỉnh kịp thời tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực giấy tờ, văn bản trái với quy định tại tại Điều 6 Nghị định số 79 của Chính phủ.

- Bố trí đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu sao giấy tờ, văn bản của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính. Thường xuyên quan tâm công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, giáo dục ý thức, trách nhiệm của công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính.

 

Quy định về đầu mối chủ trì, cơ chế phân công phối hợp và điều kiện bảo đảm cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 66/2014/QĐ-UBND quy định về đầu mối chủ trì, cơ chếphân công phối hợp và điều kiện bảo đảm cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Quyết định, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh có nội dung điều chỉnh những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan mình.

Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp có nội dung điều chỉnh những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan mình.

Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản do mình và Hội đồng nhân dân cấp xã ban hành; phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân kiến nghị Hội đồng nhân dân xử lý kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo việc lấy ý kiến của cơ quan tư pháp về kết quả rà soát; nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan tư pháp về kết quả rà soát; hoàn thiện và trình Hồ sơ rà soát văn bản để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc xử lý (trường hợp văn bản thuộc thẩm quyền xử lý) hoặc kiến nghị xử lý kết quả rà soát (trường hợp văn bản không thuộc thẩm quyền xử lý). Báo cáo kết quả rà soát văn bản cũng được gửi cho cơ quan tư pháp để theo dõi, tổng hợp.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về kết quả rà soát văn bản, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được phân công xây dựng văn bản để bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung văn bản được rà soát hoặc ban hành văn bản mới có trách nhiệm xây dựng dự thảo văn bản trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm gửi danh mục văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp có nội dung điều chỉnh những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan mình hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần về Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp để tổng hợp chậm nhất là ngày 05 tháng 01 hàng năm.

Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp làm đầu mối, có trách nhiệm tổng hợp và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để công bố danh mục văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm công bố danh mục các văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp hết hiệu lực thi hành toàn bộ hoặc một phần chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.

Quyết định còn quy định việc rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn; việc hệ thống hóa văn bản; điều kiện đảm bảo cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 17/10/2014.

 

Công khai các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng

Là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Ngọc Thọ tại Chỉ thị số 31/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước và chấp hành phát luật về bảo vệ môi trường tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh

Theo đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế:

- Tăng cường công tác phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế trong quá trình phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm môi trường (do không thực hiện theo đúng Đề án phê duyệt Đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường).

-  Chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường do các nhà máy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh không thực hiện đúng theo Đề án phê duyệt Đánh giá tác động môi trường và Cam kết bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt, đơn vị mình quản lý.

- Cương quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng theo Đề án phê duyệt Đánh giá tác động môi trường và Cam kết bảo vệ môi trường.

- Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 16/2014/CT-UBND ngày 08/4/2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt Đề án đánh giá tác động môi trường, đồng thời, kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án thuộc thẩm quyền; kiểm tra, xác nhận hoàn thành việc thực hiện Đề án bảo vệ môi trường chi tiết.

- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và UBND các huyện, các thị xã và thành phố Huế xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ trên nền GIS đối với các cơ sở có phê duyệt Đề án đánh giá tác động môi trường, có cam kết bảo vệ môi trường (theo các tiêu chí: tên cơ sở, mức độ cam kết, thời gian phê duyệt, các hạn mục cam kết, kết quả thực hiện cam kết) để phục vụ công tác quản lý.

- Hàng năm, lập Kế hoạch và báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn mình quản lý theo phân cấp, đồng thời tổng hợp Kế hoạch và báo cáo của các đơn vị, địa phương, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31 tháng 12.

Trưởng ban Ban quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, Trưởng ban Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô:

- Hàng năm, lập Kế hoạch và báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn mình quản lý theo phân cấp gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 11.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường, đồng thời kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; kiểm tra, xác nhận hoàn thành việc thực hiện Đề án Đánh giá tác động môi trường. Phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường và lực lượng cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm.

- Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các Khu công nghệp, Khu kinh tế.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, các thị xã và thành phố Huế:

- Lập Kế hoạch và báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn mình quản lý theo phân cấp gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 11.

- Tăng cường công tác giám sát thực hiện nội dung xác nhận cam kết bảo vệ môi trường trên địa bàn thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.

- Rà soát, nâng cao chất lượng xác nhận cam kết bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền theo quy định.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ môi trường, các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong các tổ chức, cá nhân.

Giám đốc Sở Y tế:

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, đôn đốc việc xây dựng cải tạo hệ thống xử lý nước thải y tế, thu gom và xử lý chất thải y tế của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường và Công an tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường do các cơ sở y tế xả nước thải y tế, xử lý chất thải y tế không đúng quy định về bảo vệ môi trường thuộc đơn vị mình quản lý.

- Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 16/2014/CT-UBND ngày 08/4/2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn:

- Nghiêm túc thực hiện theo đúng nội dung Đề án Đánh giá tác động môi trường và Cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận.

- Lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án.

- Tuyên truyền phổ biến cho cán bộ, công nhân viên, người lao động của đơn vị về các quy định pháp luật về môi trường.

Các cơ quan thông tin đại chúng: Báo, Đài phát thanh và truyền hình, Đài truyền thanh:

Tiếp tục tăng cường chương trình truyền thông về công tác bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng tại các chuyên mục, phóng sự, phim tài liệu (Đài truyền hình Việt Nam tại Huế - HVTV, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế -TRT; Báo Thừa Thiên Huế; Đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố Huế…) để phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường, nhân rộng các mô hình tốt trong công tác bảo vệ môi trường, công khai các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

 

16 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Sa, thị trấn Thuận An.

Ngày 08/10/2014, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Công văn số 5662/UBND-XDHT thống nhất quy mô đầu tư với nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Sa, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 16 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường GPMB).

Công trình nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Sa do Ban Đầu tư và Xây dựng huyện Phú Vang làm chủ đầu tư nhằm mục tiêu từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông đô thị Thuận An theo quy hoạch. Công trình thực hiện trong 3 năm.

 

Đẩy mạnh, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm quản lý Nhà nước về đất đai trong năm 2014

Nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai hiệu quả, đồng bộ ở các cấp và đảm bảo tiến độ, kế hoạch thực hiện hoàn thành trong năm 2014, ngày 08/10/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ký ban hành Công văn số 5682/UBND-ĐC yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tập trung, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận lần đầu, cấp đổi Giấy chứng nhận và hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đồng bộ, thống nhất theo Chỉ thị số 27/CT-UBND ngày 25/12/2013 của UBND tỉnh; báo cáo kết quả thực hiện cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính định kỳ hàng tháng trước ngày 25 hàng tháng thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Khẩn trương thực hiện, hoàn thành công tác kiểm tra, rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất công ích và xây dựng phương án quản lý, sử dụng quỹ đất công ích do UBND cấp xã quản lý; nộp báo cáo kết quả thực hiện rà soát quỹ đất công ích về Sở Tài nguyên và Môi trường đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 11/02/2014. Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh phương án tăng cường công tác quản lý, đăng ký đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất công ích.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, các văn bản quy định của Chính phủ, UBND tỉnh về quản lý Nhà nước về đất đai.

- Chuẩn bị các nội dung, điều kiện cần thiết triển khai thực hiện công tác kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014. Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu Kế hoạch tổ chức thực hiện kiểm kê đất đai năm 2014; thành lập Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện kiểm kê đất đai năm 2014.

- Các địa phương tập trung, khẩn trương rà soát, đăng ký, tổng hợp các công trình, dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ; các công trình, dự án cần thu hồi đất theo yêu cầu của UBND tỉnh tại Công văn số 2280/UBND-ĐC ngày 06/5/2014 và các văn bản hướng dẫn, đôn đốc của Sở Tài nguyên và Môi trường để trình HĐND tỉnh thông qua đồng thời với quyết định mức vốn ngân sách nhà nước cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại kỳ họp cuối năm.

Đối với các dự án cần thu hồi đất phải làm rõ quy mô diện tích, số lượng hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chổ ở và đề xuất nguồn kinh phí xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra, đề xuất UBND tỉnh xử lý.

- Các địa phương khẩn trương lập kế hoạch sử dụng đất năm 2015 cấp huyện trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 12 năm 2014.

- Khẩn trương xây dựng bộ thủ tục hành chính về đất đai các cấp trình UBND tỉnh phê duyệt để công bố công khai theo quy định.

- Đẩy nhanh hoàn thành công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác cấp Giấy chứng nhận theo Quyết định số 414/QĐ-BTNMT ngày 01/4/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Chủ động xây dựng, đề xuất chương trình, kế hoạch công tác quản lý Nhà nước về đất đai để thực hiện trong năm 2015.

 

Công khai số điện thoại để tiếp nhận và trả lời những vướng mắc liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính về thuế

Nhằm triển khai các giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ngày 08/10/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ký ban hành Công văn số 5688/UBND-TH yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết các thủ tục hành chính thuế đúng quy trình và thời gian qui định; không được yêu cầu người nộp thuế cung cấp bất kỳ loại giấy tờ gì không có trong quy định, không được gây vướng mắc, khó khăn cho người nộp thuế. Công bố công khai số điện thoại để hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp và số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và trả lời những vướng mắc liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính về thuế.

 

Công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng các hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh

Ngày 07/10/2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã ký ban hành Công văn số 5636/UBND-XD giao Sở Xây dựng chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg. Tham mưu UBND tỉnh thành lập, kiện toàn Ban Điều phối chỉ đạo thực hiện chính sách này.

Đồng thời tổ chức thực hiện công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng và tiến hành rà soát, bình xét, lập danh sách các hộ nghèo thuộc đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh; phân loại ưu tiên thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định. Thực hiện thủ tục lập, phê duyệt danh sách hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở theo quy định tại Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg.

Triển khai lập, trình phê duyệt Đề án Hỗ trợ nhà ở phòng, tránh lụt, bão trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo đề cương hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đảm bảo hoàn thành và gửi Đề án cho các bộ, ngành Trung ương liên quan trước ngày 15/11/2014.

 

Hơn 16 tỷ đồng bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Tổ Miếu

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao vừa ký ban hành Quyết định số 2001/QĐ-UBND phê duyệt tiếp nhận dự án viện trợ không hoàn lại "Bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Tổ Miếu - phần Tiền Điện" do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ thông qua Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn dự án là 16.012.295.566 đồng (tương đương 759,236 USD), trong đó ngân sách tài trợ từ phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là 14.763.000.000 đồng (tương đương 700,000 USD) và ngân sách đối ứng từ Trung tâm Bảo tồn di tích Cô đô Huế là 1.249.295.556 đồng (tương đương 59,239 USD).

Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Tổ Miếu - phần Tiền Điện được thực hiện với mục tiêu bảo tồn bền vững một công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa và mỹ thuật đặc sắc của Triều Nguyễn trong khu vực Hoàng thành Huế nhằm góp phần hoàn thiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Dự án do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp nhận và thực hiện từ tháng 10/2014 đến tháng 01/2017.

 

Các cơ quan, đơn vị hàng năm phải thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng

Đây là nội dung quy định tại Quyết định số 2005/QĐ-UBND ngày 08/10/2014 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng. Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

- Thường xuyên phổ biến, quán triệt nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng;

- Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các nội dung quản lý công chức, viên chức gồm: Tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, biệt phái, miễn nhiệm, nâng ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp, chế độ tiền lương và đãi ngộ, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với công chức, viên chức theo thẩm quyền được phân cấp;

- Xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển công chức, viên chức;

- Thực hiện tốt việc minh bạch tài sản, thu nhập của công chức, viên chức định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo quy định; đề cao trách nhiệm giải trình của công chức, viên chức;

- Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về việc Quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; nâng cao hiệu quả các hoạt động ngăn chặn, phòng, chống để đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trong mỗi cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm gương mẫu và quản lý chặt chẽ quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ của công chức, viên chức thuộc quyền quản lý;

- Thực hiện tốt Chỉ thị số 51/2012/CT-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh;

- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý;

- Tập trung chỉ đạo giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm nảy sinh trong quá trình thực hiện các nội dung quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng; xử lý nghiêm minh những sai phạm trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng theo quy định;

- Tổ chức việc xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, công khai, dân chủ, kịp thời và đúng thẩm quyền. Chủ động nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện chế độ, chính sách về thi đua, khen thưởng. Thực hiện nghiêm việc công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông đối với các tập thể, cá nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu và khen thưởng bậc cao trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

- Đưa nội dung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm đối với các cơ quan, đơn vị.

 

Kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo Quyết định số 2014/QĐ-UBND vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành, Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế được kiện toàn gồm 30 thành viên, trong đó Trưởng ban là Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Phó Trưởng ban là mời ông Trần Phùng, Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 27 thành viên khác (trong đó có 04 Ủy viên Thường trực là mời ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, mời bà Lê Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, mời ông Nguyễn Mới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh).

Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn tỉnh.  

 

Thành lập Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo

Ngày 10/10/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ký ban hành Quyết định số 2021/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo.

Theo Quyết định, Trưởng ban Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo là Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Phó Trưởng ban là Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; 02 Uỷ viên thường trực là Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và 12 Ủy viên khác.

Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Phân công thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn các khu kinh tế

Ngày 09/10/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ký ban hành Công văn số 5711/UBND-XD phân công Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thực hiện nhiệm vụ làm cơ quan đầu mối tiếp nhận và hoàn trả các thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn các khu kinh tế; thực hiện tiếp nhận, chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng theo phân công, phân cấp để thụ lý hồ sơ; tiếp nhận kết quả và hoàn trả cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đồng thời giao Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND huyện Phú Lộc có trách nhiệm thực hiện thụ lý hồ sơ đúng thời gian quy định và phối hợp Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để thực hiện các thủ tục nêu trên; đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên địa bàn các khu kinh tế.

 

nguồn:thuathienhue.gov.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày